Cách làm giò thủ ngày Tết

Giò thủ là một món ăn kết hợp từ nhiều nguyên liệu với nhau, tạo nên vị khác biệt không như các loại giò lụa khác. Những miếng giò béo ngậy, giòn kết hợp với vị thơm, cay nồng của hạt tiêu… ai thưởng thức qua đều nhớ mãi .

Nguyên liệu như sau: 700gr tai heo; 300gr lưỡi heo; 200gr thịt nạc giò heo; 100gr nấm mèo (mộc nhĩ); 50gr nấm hương; hành tím; tỏi; gừng; hạt nêm; tiêu xay; tiêu hạt; đường; bột ngọt; dầu ăn; khuôn ép.

Cách thực hiện:

Nấu nước sôi, cho vào đó một ít đường, bột ngọt, vài lát gừng và hành tím đập dập để khử mùi và thơm ngon hơn. Tai heo và lưỡi heo cần rửa thật sạch qua muối và chanh pha loãng sau đó mới chần qua nước sôi khoảng 5 phút. Sau khi thịt săn lại, vớt ra và ngâm vào nước đá cho thịt trắng và giòn rồi mới cắt lát mỏng theo chiều dài của nó.

Tiếp tục cho phần thịt đã cắt vào tô, ướp với một ít đường, bột ngọt, hạt nêm, muối, tiêu xay và tiêu sọ đồng thời trộn đều. Khi thịt thấm đều gia vị, cho vào tủ lạnh chừng 30 phút. Nấm mèo và nấm hương rửa sạch, ngâm trong nước nóng 20 phút sau đó cắt mỏng khoảng 1cm để giữ được độ giòn.

Công đoạn xào thịt:

Bắc chảo lên bếp, khi chảo nóng cho vào đó một ít dầu cùng hành tím băm và tỏi băm. Khi hành tỏi vàng thơm, cho phần thịt vào, xào đều tay để tránh mỡ tiết ra và làm cháy thịt. Khi thấy thịt săn lại mới cho nấm vào xào chung cùng với một ít nước mắm ngon. Nêm nếm cho vừa miệng là được.

Sau cùng là cho hỗn hợp vào trong khuôn làm giò thủ, nhấn nhẹ nắp khuôn xuống để thịt dính đều. Lưu ý: Cho phần thịt vào khuôn và ép khi thịt vẫn còn ấm, không để thịt nguội mới ép vì khi thịt nguội sẽ mất đi sự kết dính với nhau. Khoảng 30 phút sau thì cho vào ngăn mát tủ lạnh.

Vẫn có cách làm giò thủ không cần khuôn. Nếu không có sẵn khuôn ép, ta có thể dùng chai nhựa có đường kính phù hợp để gói và ép giò. Chỉ cần cắt bỏ đầu chai và rửa sạch. Lồng túi ni -lông hoặc lá chuối vào lòng chai, cho thịt đã xào vào, dùng tay ấn cho thật chắc, dùng vật nặng đè lên chai cho giò chắc hơn. Sau đó mới cho vào ngăn mát tủ lạnh để thịt đông kết với nhau.

Miếng giò thủ ngon phải đạt được các yêu cầu như: gia vị nêm vừa phải, miếng giò giòn, thơm và có đủ độ béo. Về màu sắc, giò có màu hơi hồng của phần lưỡi heo xen lẫn sọc trắng của sụn tai và màu nâu đen của nấm mèo nổi bật trên phần mỡ đông màu trắng ngà.

Món này thường kèm với kiệu chua hay dưa món, đều ngon và hấp dẫn, nhất là làm món khai vị trong các bữa tiệc gia đình.

Thùy Trang (Nguồn huongnghiepaau.com)