Nghệ nhân Huỳnh Ngọc Ẩn: Người giữ lửa nghệ thuật hát Bài Chòi

Nghệ thuật hát Bài Chòi là di sản độc đáo, ấn tượng gắn liền với đời sống tinh thần của cư dân miền Trung. Hiện nay, còn rất ít nghệ nhân biết và rành về loại hình nghệ thuật này. Tại tỉnh ta, vẫn còn một nghệ nhân luôn đau đáu về Bài chòi có nguy cơ mai một, nên những năm qua luôn tìm tòi, sáng tác và lưu giữ nhiều bài hát cổ, cách thức thể hiện cũng như tâm huyết phát huy loại hình nghệ thuật này, đó là Nghệ nhân Huỳnh Ngọc Ẩn.

Để Bài Chòi không bị mai một, nhiều năm qua nghệ nhân Huỳnh Ngọc Ẩn (ảnh), ở phường Văn Hải, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã tìm mọi cách đưa loại hình nghệ thuật này đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Qua tìm hiểu, được biết ông Ẩn là một trong số ít nghệ nhân hiếm hoi của Ninh Thuận gắn bó với nghệ thuật Bài Chòi từ khi còn bé. Ông quê gốc Quảng Nam nên ngay từ nhỏ ông đã bén duyên với loại hình nghệ thuật này, tham gia biểu diễn khi mới 12 tuổi. Khi cùng gia đình vào Ninh Thuận lập nghiệp, ông đã mang theo những câu hát, cách chơi Bài Chòi đến vùng đất mới. Có thể nói, với Nghệ nhân Huỳnh Ngọc Ẩn, Bài Chòi như một duyên phận, là phần máu thịt trong con người ông. Bên cạnh việc sưu tầm những tuồng cổ, những câu ca dao tục ngữ của người xưa, ông Ẩn còn tìm tòi sáng tác những tuồng mới phản ánh hơi thở của cuộc sống đương đại. Ông không quản ngại khó khăn chỉ dạy và truyền đạt lại các “ngón nghề” cho những người có chung niềm đam mê.

Hiện nay, nghệ thuật Bài Chòi không còn là niềm đam mê của riêng ông mà tất cả những thành viên trong gia đình ông và hàng xóm đều thích và thuộc lòng những câu hát, những vở tuồng mà ông cùng với các đồng nghiệp tập luyện để biễu diễn. Ông có 3 người con rành và đam mê với loại hình nghệ thuật này. Chị Huỳnh Thị Kim Chung con gái ông Ẩn, cho biết: Hát Bài Chòi như cái nghiệp của gia đình, ngay từ nhỏ thường nghe ba ca Bài Chòi, nên các câu từ, điệu bộ cứ thấm dần vào tâm trí lúc nào không biết. Giờ đây, niềm đam mê đã tạo động lực cho tôi chung tay với ba tìm hiểu, sưu tầm, sáng tác nhiều bài hát để duy trì và phát huy giá trị văn hóa của môn nghệ thuật này.

Những năm gần đây, Trung tâm Văn hóa- Nghệ thuật tỉnh là địa chỉ quen thuộc dành cho những người yêu thích, tìm hiểu nghệ thuật Bài Chòi. Vào dịp tết Nguyên đán hàng năm, hội Bài Chòi được tổ chức, thu hút đông đảo người dân đến thưởng thức, tìm hiểu.. Ông Đinh Xuân Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Nghệ thuật tỉnh, cho biết: Từ khi đưa Bài Chòi về gầy dựng và biễu diễn tại Trung tâm đã thu hút đông người xem. Trung tâm đưa Bài Chòi vào nội dung hoạt động định kỳ, tạo điểm nhấn trong hoạt động của đơn vị. Riêng Nghệ nhân Huỳnh Ngọc Ẩn rất nhiệt tình và đam mê môn nghệ thuật này, đứng ra quy tụ những người có chung đam mê tổ chức biễu diễn phục vụ công chúng.

Với những cống hiến của mình với nghệ thuật Bài Chòi, ông Huỳnh Ngọc Ẩn vinh dự được Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian Việt Nam”.