Mô tả con vật
Ở nước ta có nhiều loại mực: Mực ống, mực nang, mực cơm… Mực là một động vật sống ở vùng nước có độ mặn cao, vùng đáy có cát pha bùn, nhất là vùng đáy hình lòng chảo lõm xuống giữa hai cồn cát.
Mực thường sống từng đàn ở tầng nước đáy, khi kiếm mồi mới nổi lên tầng nước trên.
Hầu hết khi bơi lội trong nước, mắt mực lồi ra, màu da luôn thay đổi theo màu nước để dễ lẩn tránh và bắt mồi. Lúc nguy biến thì mực bơi giật lùi và phun mực ra, làm cho nước vùng đó đen lại, kẻ địch loá mắt, rồi tìm cách lẩn trốn.
Mực rất thích ánh sáng và màu trắng, khi thấy ánh sáng, mực tập trung rất đông. Mực rất thích ăn các loại trứng cá, tôm, cá con và những động vật nhỏ khác trong nước.
Mùa khai thác mực là các tháng 3 đến tháng 9 là thời kỳ mực bơi vào gần bờ để sinh sản. Chủ yếu vào các tháng 4,5,6. Ngoài mai mực đánh bắt được người ta còn khai thác các con mực to bị chết ở ngoài khơi, sóng gió thổi dạt vào bờ, người ta vớt lấy.
Công dụng và liều dùng
Theo tài liệu cổ ô tặc cốt vị mặn, tính ôn, vào 2 kinh can và thận. Có tác dụng thông huyết mạch, khứ hàn thấp, cầm máu. Dùng chữa thổ huyết, máu cam, đại trường hạ huyết phụ nữ băng huyết, xích bạch đới, kinh bế, mắt mờ. Những người âm hư đa nhiệt không dùng được.
Hiện nay, ô tặc cốt là một vị thuốc được dùng trong phạm vi nhân dân để chữa các bệnh sau:
1. Chữa bệnh đau dạ dày thừa nước chua, loét dạ dày chảy máu, ho lao lực, trẻ con chậm lớn, băng huyết.
2. Thuốc chữa mờ mắt, tai chảy mủ.
3. Dùng ngoài, tán bột rắc lên các vết thương để cầm máu.
Ngoài công dụng làm thuốc, mai mực còn dùng để đánh cho sạch mặt kính bị bẩn mà không làm sát kính.
Ngày uống 4 đến 8g dưới dạng thuốc bột hay thuốc viên.
Mới đây, tại một số bệnh viện dùng mai mực vót thành bút chì, ngâm vào dung dịch hoàng liên 1-5% sau đó dùng bút chì này đánh mắt hột, kết quả làm cho bệnh nhân mau khỏi hơn.
Đơn thuốc có mai mực trong đông y
1. Thổ huyết: Ô tặc cốt tán thật nhỏ. Ngày uống 4 đến 5 lần, mỗi lần 1 đến 2g, uống với nước cơm hay nước sắc bạch cập (10 hay 20g bạch cập sắc với 300ml nước) để chiêu thuốc.
2. Tai có mủ: Ô tặc cốt 2g, sạ hương 0,4g. Tán thật nhỏ, lấy bông bọc vào đầu tăm chấm thuốc ngoáy vào tai.
3. Phụ nữ bị loét âm hộ: Ô tặc cốt thiêu tồn tính, trộn với lòng đỏ trứng gà bôi vào vết loét đã rửa sạch.
Đức Doãn (Theo Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam)