BIM ENERGY: “Năng lượng tái tạo là tương lai”

Đồng hành cùng Bộ Công Thương tại sự kiện Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2020 chủ đề “Phát triển năng lượng sạch: Xu thế và thách thức”, BIM Energy - thành viên Tập đoàn BIM Group, tham luận đóng góp giải pháp phát triển bền vững nguồn năng lượng sạch quốc gia.

Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2020, với chủ đề “Phát triển năng lượng sạch: Xu thế và thách thức” do Bộ Công Thương tổ chức vừa qua, đã thu hút sự tham gia của khoảng 500 đại biểu, gồm các nhà quản lý, các nhà đầu tư trong và ngoài nước; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng sạch không gây ô nhiễm môi trường và có thể tái tạo…

Một góc Nhà máy Điện mặt trời của BIM ENERGY tại Phước Minh (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ

Trong phần tham luận tại diễn đàn, ông Nguyễn Hải Vinh, Phó Tổng Giám đốc BIM Energy, phát biểu: “Năng lượng tái tạo sẽ là nguồn năng lượng có giá thành hợp lý mang lại lợi ích cho người dân. Phát triển kinh tế bền vững hạn chế ảnh hưởng tới môi trường thực chất là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Nếu nguồn điện hóa thạch mang lại nhiều hệ lụy thì năng lượng tái tạo mở ra cơ hội không phải đánh đổi sức khỏe, chất lượng cuộc sống với phát triển kinh tế. Phải khẳng định năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời là tương lai. Ngay như ở một quốc gia bảo thủ về năng lượng như Mỹ thì tại California trong các năm gần đây công suất lắp đặt mới của gió và mặt trời đã lớn hơn 50% công suất lắp đặt mới, do vậy đây là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên để đảm bảo hài hòa các lợi ích này thì Nhà nước cần có chính sách nhất quán, đảm bảo lựa chọn được các nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm triển khai. Nhà nước sẽ đóng vai trò kiến thiết để các nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư, tập trung vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả dự án, mang lại lợi ích tổng hòa cho toàn thể cộng đồng.”

Với dân số trên 95 triệu người (đứng thứ 13 trên thế giới), nhu cầu nước sạch, xử lý rác thải và sử dụng năng lượng của Việt Nam là rất lớn. Theo dự báo đến năm 2030, Việt Nam và nhiều nước sẽ phải đối mặt với khó khăn về nguồn cung cấp điện. Trong khi đó, với tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%/năm, Việt Nam đang cần đến nguồn năng lượng khổng lồ, nhất là điện năng. Tuy nhiên, nguồn thủy điện cơ bản đã khai thác hết. Bên cạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thì việc đưa ra các giải pháp phát triển điện mặt trời, điện gió và các dạng năng lượng tái tạo khác để đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2030 là giải pháp trọng yếu.

Các kỹ sư BIM ENERGY kiểm tra hệ thống lưới điện mặt trời ở Phước Minh (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ

Cụm nhà máy điện mặt trời BIM khởi công vào tháng 1-2018, thực hiện ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN vào cuối năm 2018. Với tiến độ triển khai nhanh chóng, chuyên nghiệp, trong hơn 9 tháng chính thức thi công, cả 3 nhà máy điện mặt trời BIM 1, BIM 2 và BIM 3 đã hoàn tất nghi thức đóng điện và hòa lưới điện quốc gia trong tháng 4-2019. Với tổng công suất 330MWP, cụm nhà máy bao gồm: nhà máy điện BIM 1 có công suất 30Mwp; BIM 2 có công suất 250Mwp và BIM 3 có công suất 50Mwp. Cụm 3 nhà máy điện mặt trời được đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, lắp đặt hơn 1 triệu tấm pin năng lượng mặt trời, sản xuất khoảng 600 triệu kwh/năm, phục vụ 200 nghìn hộ gia đình mỗi năm và góp phần giảm gần 304.400 tấn CO2 thải ra môi trường mỗi năm.

Việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, cụ thể là các trang trại điện mặt trời, điện gió chính là cách mà BIM Group và BIM Energy góp phần bảo vệ môi trường khi giảm thiểu đáng kể lượng khí thải nhà kính, lượng phế phẩm từ quá trình sinh nhiệt do sử dụng nhiên liệu hóa thạch, từ đó xây dựng nguồn năng lượng bền vững cho tương lai.