Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn trước tác động của biến đổi khí hậu, nắng hạn và dịch COVID-19, huyện Thuận Bắc đã có những cách làm sáng tạo, xác định từng nhiệm vụ và giao việc cụ thể cho từng ngành, địa phương thực hiện đảm bảo chỉ tiêu giao. Kw6t1 thúc năm 2020, địa phương có 14/14 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều đạt và vượt kế hoạch, hầu hết các lĩnh vực đều có sự tăng trưởng, giá trị sản xuất các ngành ước đạt 6.588 tỷ đồng, vượt kế hoạch 6,9%, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Từ công tác chỉ đạo quyết liệt, sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận của người dân đã góp phần làm nên những kết quả trên.
Điện gió Lợi Hải đi vào vận hành thương mại tạo động lực thúc đẩy kinh tế huyện Thuận Bắc phát triển.
Là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 701/QĐ-UBND, ngày 15-5-2020 về việc công bố cấp rủi ro thiên tai do hạn hán trên địa bàn tỉnh, với tinh thần khẩn trương, huyện đề nghị các địa phương tập trung rà soát, chủ động giảm diện tích lúa ở những khu vực xa nguồn nước tưới; đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất với những cây trồng cạn phù hợp với thực tế ở từng vùng. Từ đầu năm tới nay, tổng diện tích chuyển đổi cây trồng trên địa bàn huyện đạt 89 ha, đạt 101% so với kế hoạch năm; trong đó, chuyển đổi ổn định lâu dài 56,5 ha, luân canh cây ngắn ngày 34 ha. Điều đáng ghi nhận trong công tác chuyển đổi cây trồng, ngoài sự chủ động của người dân, huyện còn trích kinh phí ngân sách địa phương đào 7 ao chứa nước, phục vụ nước tưới cho vùng trồng măng tây xanh, bưởi da xanh ở xã Công Hải và Lợi Hải, đẩy mạnh liên kết với một số doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cây trồng sau thu hoạch. Đồng chí Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc, cho biết: Trong năm, mặc dù diện tích gieo trồng các loại chỉ đạt 3.172 ha, giảm 71,3% so với năm trước; tuy nhiên, cái được lớn nhất chính là việc nông dân địa phương ngày càng ý thức được vấn đề chuyển đổi cây trồng để tiết kiệm nước, kết quả từ mô hình canh tác cây trồng cạn đem lại thu nhập cao từ 1,5-2 lần so với trồng lúa, do đó nhiều diện tích cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng được mở rộng.
Bên cạnh đó, chủ trương phát triển chăn nuôi gắn với đặc thù huyện miền núi tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Trong năm, nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai kịp thời. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện tập trung hỗ trợ người dân ở các xã Phước Kháng, Phước Chiến, Bắc Sơn đầu tư chăn nuôi bò, dê, cừu, triển khai các mô hình sản xuất chăn nuôi dưới tán rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao, với kinh phí trên 6,1 tỷ đồng. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông hộ thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, bảo quản thức ăn trong mùa nắng hạn; nhờ đó, quy mô tổng đàn tiếp tục duy trì và phát triển ổn định, vị thế ngành chăn nuôi có sự đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp.
Nhằm tạo động lực phát triển, huyện tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phối hợp với nhà đầu tư đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý, triển khai đồng bộ công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án. Cùng với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền địa phương, tiến độ thi công của nhiều dự án năng lượng tái tạo đảm bảo kế hoạch đề ra. Tiêu biểu như dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam đi qua địa bàn huyện; dự án Điện mặt trời Trung Nam, Điện mặt trời Xuân Thiện, Điện gió Công Hải… đến nay cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đang tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp triển khai đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án Khu du lịch Bình Tiên, Khu công nghiệp Du Long. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn cũng đã khẩn trương, huy động nguồn nhân lực tăng cao năng suất lao động sau thời gian hoạt động cầm chừng vì dịch COVID-19, tạo ra nhiều sản phẩm như xi măng, phân vi sinh, đá xây dựng, đưa giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng đạt 5.027 tỷ đồng, vượt kế hoạch 19,3%, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.
Khu Công nghiệp Du Long (Thuận Bắc) đang đầu tư thi công cơ sở hạ tầng. Ảnh: Văn Nỷ
Song hành cùng với mục tiêu phát triển kinh tế, các chính sách về an sinh xã hội, công tác chăm lo hộ nghèo, đối tượng chính sách được triển khai đảm bảo; quy mô trường lớp, chất lượng giáo dục nâng lên đáng kể. Đặc biệt, vấn đề giải quyết việc làm vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao; trong năm, địa phương đã giải quyết việc làm ổn định cho 1.150 lao động, vượt 27,8% kế hoạch, tổ chức đào tạo nghề cho 282 lao động, vượt 41% kế hoạch.
Triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021, dự báo tình hình kinh tế-xã hội của huyện tiếp tục ổn định và phát triển; đặc biệt, các hồ cơ bản đã tích được nước đảm bảo cho quá trình sản xuất và một số dự án lớn khi đi vào hoạt động sẽ tạo động lực thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế địa phương. Theo đồng chí Phạm Trọng Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, để thực hiện đạt các chỉ tiêu đề ra, địa phương đẩy mạnh thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Tăng cường chỉ đạo ngành chức năng, các xã phát huy tốt vai trò trách nhiệm, nâng cao năng lực điều hành, chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực thế mạnh về năng lượng tái tạo, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình dự án về giảm nghèo, chú trọng giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục…
Hồng Lâm