Nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp

Hoạt động của các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây có sự chuyển biến tích cực, các HTX đã phát huy được năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động, hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; qua đó, góp phần làm thay đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên.

Toàn tỉnh hiện có 115 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, nhằm phát huy vai trò của các HTX trong xây dựng nông thôn mới và thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các HTX; đặc biệt, với việc triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX phát triển và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn 16,2 tỷ đồng; Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm OCOP của 5 HTX. Từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, các địa phương đã hỗ trợ HTX đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chế biến sản phẩm đối với 17 HTX, với tổng vốn trên 14,6 tỷ đồng. Ngoài ra, các HTX còn được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tập huấn kỹ năng sản xuất tiên tiến, bày bán các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và tại hội chợ xúc tiến thương mại.

Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung, xã Phước Tiến (Bác Ái) trồng dưa lưới trong nhà kính đem lại lợi nhuận cao.

Thông qua sự đồng hành, hỗ trợ của ngành chức năng, địa phương, các HTX ngày càng đi vào hoạt động ổn định, tổ chức sản xuất, cung ứng những dịch vụ thiết yếu cho các thành viên và nông dân; đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất bền vững, với các mặt hàng nông sản chủ lực. Đơn cử như HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú được thành lập năm 2016, với 13 thành viên đến nay phát triển lên 85 thành viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng; HTX đã hợp tác với Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến trồng măng tây xanh, áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên diện tích gần 20ha theo tiêu chuẩn VietGAP và bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch, cho lợi nhuận bình quân khoảng 300-320 triệu đồng/ha/năm. Hay HTX Điều hữu cơ Truecoop liên kết với nông dân ở các huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc và Bác Ái trồng trên 3.992ha cây điều, sản phẩm được thu mua với giá bình quân 32.000 đồng/kg, giúp nâng cao đáng kể thu nhập cho các hộ tham gia sản xuất. HTX tiếp tục mở rộng mối liên kết, phấn đấu đạt mục tiêu 6.000ha vườn điều đạt chứng nhận hữu cơ trong thời gian tới để làm nguyên liệu chế biến, xuất khẩu ra thị trường các nước.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn nhiều mô hình HTX mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Liên kết sản xuất bắp giống 80ha của HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước An cho lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/ha/vụ; sản xuất lúa 150ha của HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Phước Hậu, năng suất đạt trên 7 tấn/ha, lợi nhuận 22 triệu đồng/ha/vụ. Trồng dưa lưới trồng nhà kính của HTX Công nghệ cao Nam Miền Trung; mô hình liên kết trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với hoạt động tham quan du lịch sinh thái và chế biến các sản phẩm từ nho của HTX Nho Evergreen Ninh Thuận và của HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An...

Mô hình canh tác nho theo chuẩn VietGAP của HTX Nho Evergreen Ninh Thuận, phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: Anh Thi

Ông Lê Hoài Nam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nhìn nhận: Từ khi chuyển đổi mô hình hoạt động theo quy định của Luật HTX 2012, hầu hết các HTX dần thích ứng với những thay đổi của thị trường, phát triển phù hợp với tiềm năng của địa phương, đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, góp phần tham gia hiệu quả vào mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số HTX nông nghiệp hoạt động mang tính nhỏ lẻ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, khả năng huy động vốn của các hộ thành viên thấp; đội ngũ cán bộ HTX phần lớn chưa được đào tạo chuyên môn, nên việc điều hành hoạt động của HTX có mặt còn hạn chế nhất định.

Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 729/QĐ-UBND ngày 11/11/2021 của UBND tỉnh, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương tập trung làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn điều lệ, hồ sơ, thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động HTX. Củng cố, đổi mới tổ chức quản lý; triển khai các chính sách về thuế, bảo hiểm, đất đai, tín dụng để các HTX thực hiện mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, phát triển các sản phẩm OCOP; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.