Bên cạnh phân tích về những xu hướng gần đây của nền kinh tế Việt Nam, Báo cáo của Ngân hàng Thế giới chỉ rõ những thách thức về khí hậu và môi trường mà Việt Nam cần xử lý. Theo đó, Việt Nam phải xử lý những thách thức này với tinh thần khẩn trương như đã làm với đại dịch COVID-19.
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị thắp sáng trong xe ô tô, xe máy tại Công ty TNHH Điện Việt Nam Stanley (vốn đầu tư của Nhật Bản) tại Hà Nội. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt để phục hồi sau đại dịch COVID-19. Quốc gia này đang có cơ hội để chọn con đường phát triển xanh hơn, thông minh hơn và bao trùm hơn. Nhờ đó, Việt Nam trở nên vững vàng hơn trước những cú sốc trong tương lai do cả đại dịch hay thảm họa thiên nhiên.
Theo Báo cáo, dù phải đối mặt với cú sốc lớn nhất toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam dự kiến tăng trưởng gần 3% năm 2020 trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%. Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam có được kết quả như vậy là nhờ khả năng chống chịu của cả khu vực kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại. Không chỉ kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp quyết liệt, sáng tạo, Chính phủ còn sử dụng các chính sách tài khóa, tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi. Trong 9 tháng đầu năm 2020, giải ngân đầu tư công đã tăng đến 40% so với cùng kỳ năm trước.
Khu vực kinh tế đối ngoại, động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam trong thập kỷ qua, đạt kết quả rất tốt kể từ khi khủng hoảng do đại dịch COVID-19 bắt đầu. Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức xuất khẩu hàng hóa đạt thặng dư lớn nhất từ trước đến nay đồng thời dự trữ ngoại hối tăng. Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam kết hợp với xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh đã bù đắp thất thu về ngoại tệ do hoạt động du lịch suy giảm, nguồn kiều hối bị thu hẹp. Báo cáo cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư và đang dịch chuyển các hoạt động sản xuất sang Việt Nam.
Ngân hàng Thế giới dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Dự báo này dựa trên giả định rằng khủng hoảng COVID-19 sẽ dần được kiểm soát, khi vaccine COVID-19 chứng minh được tính hiệu quả. Báo cáo nhấn mạnh, Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro tài chính và xã hội, đòi hỏi các cấp có thẩm quyền quan tâm hơn nữa.
Theo Ngân hàng Thế giới, hai bài học rút ra qua xử lý thành công khủng hoảng COVID-19 có thể áp dụng để giải quyết tốt hơn các vấn đề môi trường. Theo đó, cách tốt nhất để đối phó với cú sốc bên ngoài là phải chuẩn bị từ trước, đồng thời phải hành động sớm và kiên quyết. Ngoài tầm nhìn và năng lực, việc tạo điều kiện thử nghiệm cách làm mới, sáng tạo cũng góp phần thay đổi hành vi của các cá nhân, tập thể. Đây là nền tảng cho các chiến lược ứng phó với những nguy cơ về y tế và khí hậu.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới chỉ rõ, Việt Nam có thể đạt được khát vọng trở thành nền kinh tế thu nhập cao trước năm 2045 hay không không chỉ dựa vào khả năng Việt Nam vượt qua khủng hoảng COVID-19 thành công mà còn dựa vào sự hiệu quả trong quản lý các nguồn tài nguyên và rủi ro khí hậu.
Theo TTXVN/Báo Tin tức