Trong nhiều năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm được Bảo tàng tỉnh đặc biệt chú trọng điều tra, nghiên cứu và sưu tầm. Qua đó nhằm lưu giữ những giá trị cổ truyền như: Lễ tế trâu ở làng Hoài Trung (Ninh Phước), lễ cưới của người Chăm Ahiér, Chăm Bàni và Chăm Islam ở Ninh Thuận, lễ tang Chăm Bàni ở thôn Phú Nhuận; khảo sát nghề thuốc cổ truyền của cộng đồng Chăm ở xã Xuân Hải (Ninh Hải), xây dựng bộ sưu tập trang phục truyền thống Chăm, bộ sưu tập nhạc cụ Chăm ở Ninh Thuận...
Đông đảo du khách tham quan tháp Po Klong Garai - Di tích cấp Quốc gia đặc biệt ở Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Văn Miên
Hiện nay, tổng số hiện vật đang lưu giữ trong Bảo tàng tỉnh khoảng 839 hiện vật; các hiện vật khảo cổ học như mảnh đồng, mảnh vàng ở Hòa Lai, bát, dĩa bằng vàng tại tháp Po Klong Garai, một số mẫu gạch thu được tại các tháp Chăm, linga-yoni ở tháp Hòa Lai. Một số bia ký đã được phát hiện và vận chuyển về Bảo tàng lưu giữ như bia ký Hòa lai, bia ký Phước Thiện, bia ký Yang Tikuh, bia ký Mỹ Hải, bia ký Po Agha, các tượng đá và tượng đá Kut. Một số thư tịch viết bằng chữ Akhar Thrah truyền thống trên lá buông, giấy dó, giấy xi măng... các đồ dùng sinh hoạt, các dụng cụ về hai làng nghề, các đồ cúng lễ, nhạc cụ, trang phục người Chăm ảnh hưởng Bàlamôn giáo, người Chăm ảnh hưởng Hồi giáo cũ – Chăm Bàni và Chăm Islam (Hồi giáo chính thống). Và những hình ảnh về đời sống sinh hoạt thường ngày, đời sống văn hóa tín ngưỡng, về trang phục, về quy trình nghề gốm, quy trình nghề dệt, hình ảnh các nghệ nhân đang biểu diễn nhạc cụ và các vị chức sắc tôn giáo, tín ngưỡng đang đọc kinh kệ...
Hằng năm, Bảo tàng tỉnh cũng tổ chức trưng bày, triển lãm chuyên đề và lưu động các chuyên đề về văn hóa Chăm như: Ngoài tổ chức trưng bày, triển lãm tại phòng trưng bày cố định, các đợt trưng bày, triển lãm chuyên đề “Văn hóa Chăm ở Ninh Thuận” tại Bảo tàng tỉnh (trong năm 2015) và tại Phòng trưng bày tháp Po Romé tại Hậu Sanh (trong năm 2016), thì Bảo tàng tỉnh còn phối hợp với Bảo tàng tỉnh An Giang trưng bày, triển lãm lưu động chuyên đề “Văn hóa Chăm Ninh Thuận” và “Văn hóa Chăm Ninh Thuận – An Giang”, tại Bảo tàng tỉnh An Giang (trong năm 2017) và tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận (trong năm 2019); phối hợp với Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa trưng bày, triển lãm lưu động chuyên đề “Văn hóa Chăm Ninh Thuận”, tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa (trong năm 2018); Bảo tàng tỉnh phối hợp với Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk trưng bày, triển lãm lưu động chuyên đề “Văn hóa Chăm Ninh Thuận”, tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk (trong năm 2019) và “chuyên đề “Đặc trưng Văn hóa Chăm và Cồng chiêng Tây nguyên” tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận (trong năm 2020).
Các thành viên Câu lạc bộ Nhạc cụ Chăm biểu diễn nhạc cụ tại Làng nghề Gốm Bàu Trúc. Ảnh: S.Ngọc
Thông qua các đợt trưng bày, triển lãm nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng, truyền thông và giáo dục nhằm để phát huy giá trị di sản văn hóa của tộc người Chăm. Đồng thời, cũng nhằm phản ánh kết quả, mức độ hoạt động nghiên cứu của Bảo tàng đối với di sản văn hóa Chăm ở Ninh Thuận. Để thực hiện tốt chức năng nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, truyền thông và giáo dục về di sản văn hóa Chăm mang tính chuyên nghiệp, tính khoa học, tính thẩm mỹ, Bảo tàng tỉnh cũng đã vận dụng ngôn ngữ, chữ viết Chăm phiên ngữ Latin theo một hệ thống nhất định vào trong nội dung đề tài nghiên cứu cấp cơ quan, lý lịch cho hiện vật sưu tầm, nội dung thông tin hiện vật, hình ảnh, nội dung bài thuyết minh trong trưng bày, triển lãm, truyền thông và giáo dục về di sản văn hóa Chăm.
Tất cả những việc làm trên nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tộc người ở Ninh Thuận.
Bá Văn Quyến