Nỗ lực bảo tồn các di sản văn hóa
Xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các DSVH trên địa bàn tỉnh là việc làm cấp thiết, những năm qua tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh. Công tác tu bổ tôn tạo di tích được các cấp, ngành và toàn xã hội quan tâm huy động được nhiều nguồn lực từ Trung ương, địa phương và từ cộng đồng cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích, lễ hội trọng điểm. Phối hợp với các tổ chức, cơ quan chuyên môn trong nước và quốc tế tổ chức các cuộc hội thảo khoa học để đưa ra các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị DSVH hiệu quả. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về DSVH, gắn trách nhiệm quản lý di tích với các ngành, địa phương với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Nhiều du khách đến tham quan tháp Po Klong Garai - Di tích Quốc gia đặc biệt. Ảnh: V.Nỷ
Trong 5 năm qua, tỉnh ta đã trình các cấp xếp hạng 16 hồ sơ khoa học, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt được công nhận: Nhóm đền tháp Pô Klong Garai và nhóm đền tháp Hòa Lai (vượt 1 di tích so với chỉ tiêu); 3 di sản được đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia: DSVH Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc, Lễ hội Katê của đồng bào Chăm và Lễ Bỏ mả của người Raglai tỉnh Ninh Thuận (vượt 1 di sản so với chỉ tiêu) và 11 hồ sơ cấp tỉnh. Đồng thời, đang trình UBND tỉnh ban hành quyết định xếp hạng 1 di tích cấp tỉnh và trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét xếp hạng 1 Danh lam thắng cảnh quốc gia và đưa 2 di sản vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, tháng 3-2019 Hồ sơ Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và ủy quyền Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thay mặt Chính phủ ký Hồ sơ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét đưa vào Danh sách DSVH phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Cùng với đó, công tác trùng tu, tu bổ, tôn tạo di tích được chú trọng. Số di tích được trùng tu, nâng cấp giai đoạn 2016-2020 là 30 di tích; trong đó, 12 di tích cấp quốc gia của tỉnh đều đã được quan tâm đầu tư chống xuống cấp bằng Chương trình mục tiêu quốc gia về Văn hóa (giai đoạn 2012-2015). Bên cạnh đó, các di tích này cũng được người dân địa phương, các mạnh thường quân tu bổ thêm qua các năm bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Nhờ đó, hầu hết các di tích cấp quốc gia đều đã được trùng tu, tu bổ, gia cố chống xuống cấp ở những kết cấu quan trọng của kiến trúc và những công trình, hạng mục chính. Hầu hết các di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo đã trở thành điểm tham quan, du lịch, sinh hoạt văn hóa và giáo dục truyền thống một cách có hiệu quả. Trong đó, cụ thể nhất là ở lĩnh vực du lịch. Sự “bắt tay” kết nối giữa các DSVH với du lịch đang ngày càng cho thấy hiệu quả “kép”. Điển hình như di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Pô Klong Garai sau khi được trùng tu, tôn tạo tổ chức Lễ đón nhận và tôn vinh Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2017, di tích luôn đón nhận lượng khách tăng đột biến đến tham quan, khám phá hàng năm. Số lượt khách và nguồn thu từ phí tham quan năm sau luôn cao hơn năm trước. Nguồn thu này được dùng để đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích và giữ gìn giá trị DSVH; hay các lễ hội Ka tê, các làng nghề truyền thống Bàu Trúc, Mỹ Nghiệp… đã trở thành điểm đến của du khách trong nước và quốc tế. Đồng chí Hồ Sĩ Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Những kết quả đạt được trong bảo tồn, phát huy giá trị DSVH cả vật thể và phi vật thể là rất to lớn, góp phần trùng tu, tôn tạo, bảo tồn được nhiều di tích lịch sử, văn hóa bị xuống cấp. Qua đó, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, tạo nên nguồn nội lực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh và các địa phương.
Du khách lựa chọn sản phẩm gốm Bàu Trúc. Ảnh: Văn Nỷ
Phát huy giá trị di sản văn hóa bền vững
Việc bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản vào sự nghiệp phát triển KT-XH hôm nay và chuyển giao cho thế hệ sau chính là phát triển bền vững. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: Xây dựng nền văn hóa phát triển toàn diện, có nét đặc sắc riêng, nhất là văn hóa của đồng bào Raglai, Chăm. Đồng chí Hồ Sĩ Sơn, cho biết thêm: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết đề ra, trong giai đoạn 2020-2025, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu, nhận diện, làm rõ giá trị các DSVH trên địa bàn. Trước mắt, tiếp tục tham mưu cho tỉnh xây dựng Kế hoạch, lộ trình, qui trình, thủ tục, các tiêu chí theo quy định, nghiên cứu và làm rõ giá trị di tích tháp Hòa Lai và tháp Pô Klong Garai gắn với hệ thống tháp Chăm các tỉnh miền Trung để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới trong những năm tới.
Tham mưu xây dựng kế hoạch lập 6 hồ sơ khoa học di sản văn hóa trình các cấp xếp hạng nhằm hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp đơn vị; khảo sát điền dã; sưu tầm những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội giáo dục an ninh quốc phòng; các công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, nhạc cụ và trang sức của người Chăm, Hoa, Raglai, K’ho, Churu, Kinh… Tổ chức trưng bày chuyên đề và trưng bày lưu động nhằm phục vụ các ngày lễ lớn, các sự kiện trong năm. Thực hiện tốt công tác bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích tháp; sưu tầm bổ sung hiện vật văn hóa Chăm, quảng bá về di tích tháp Pô Klong Garai. Đồng thời, xây dựng kế hoạch nghiên cứu khảo sát, lập quy hoạch tổng thể bảo tồn đối với từng di tích, phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của tỉnh. Sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của Nhân dân nhằm từng bước tu bổ, tôn tạo các DSVH. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, cá nhân vào các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch văn hóa, góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các DSVH gắn với phát triển du lịch bền vững, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương. Ngành cũng tham mưu cho tỉnh kiến nghị đề xuất với Trung ương quan tâm, dành các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia về văn hóa cho tỉnh, tập trung vào các dự án như bảo tồn, phát huy giá trị DSVH kèm theo các cơ chế chính sách thu hút vốn đầu tư cho tỉnh để thực hiện.
Xuân Bính