Hiệu quả từ mô hình nuôi “ruồi lính đen” kết hợp chăn nuôi

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi “ruồi lính đen” kết hợp với chăn nuôi của hộ chị Nguyễn Thị Thu Hương ở thôn Tân Mỹ, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) là một trong những mô hình chăn nuôi mới được áp dụng đầu tiên tại tỉnh ta.

Nuôi "ruồi lính đen" không cần nhiều kỹ thuật phức tạp và chi phí ban đầu không cao, nên rất phù hợp với nhu cầu của đại đa số người chăn nuôi. Để nuôi "ruồi lính đen", người nuôi chỉ cần mua trứng giống từ những người chăn nuôi có uy tín với giá bán khoảng trên 5,5 triệu/kg và học hỏi một số kỹ thuật nuôi cơ bản. Sau đó, tiến hành làm chuồng nuôi với diện tích mỗi chuồng khoảng 20m2 được bao phủ bằng lưới để ruồi không thoát ra ngoài, sau đó tiến hành ấp trứng để tạo ra ấu trùng, tiền nhộng, nhộng và nở thành ruồi. Với vòng đời kéo dài khoảng 40 ngày, trong toàn bộ quá trình sinh trưởng giai đoạn ấu trùng được xác định là quan trọng để mang lại hiệu quả kinh tế, vì giai đoạn này ấu trùng có thành phần dinh dưỡng cao phù hợp để làm thức ăn cho gà, vịt, heo, tôm, cua, cá, lươn, ếch.

 

Chị Nguyễn Thị Thu Hương, thôn Tân Mỹ, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) đang làm vệ sinh chuồng nuôi và thu hoạch trứng ruồi.

Qua trao đổi với chị Nguyễn Thị Thu Hương, được biết: Nuôi "ruồi lính đen" mang lại hiệu quả kinh tế cao và chi phí đầu tư thấp. Thức ăn của ruồi rất đa dạng, có thể tận dụng các loại phế phẩm trong nông nghiệp như xác đậu nành, cám gạo, các loại trái cây hư. Hầu hết các sản phẩm từ "ruồi lính đen" đều có thể tận dụng để phục vụ chăn nuôi. Giai đoạn ấu trùng thì được sử dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm; giai đoạn sau kén được dùng để ủ làm phân bón; giai đoạn sau sinh sản xác ruồi được dùng làm thức ăn cho gà, cá, heo và trứng thì bán cho người nuôi.

Chị Hương cho biết thêm: Năm 2016 và năm 2017 gia đình chăn nuôi heo nhưng do dịch bệnh thua lỗ gần 1 tỷ đồng, đã tính vào TP. Hồ Chí Minh làm việc để trả nợ, nhưng may mắn anh Nguyễn Thanh Phong chồng tôi tình cờ lên mạng thấy được mô hình tìm hiểu làm theo. Với số vốn gần 30 triệu đồng, anh Phong vào miền Tây mua giống và tìm hiểu kỹ thuật nuôi. Thời gian đầu, anh chị chỉ đầu tư 3 lồng nuôi, đến nay mở rộng quy mô với 6 lồng, đồng thời kết hợp nuôi gà cùng đàn heo sinh sản. Sau 3 năm thực hiện mô hình nuôi "ruồi lính đen", gia đình chị đã trả hết nợ và đầu tư mở rộng diện tích chăn nuôi hơn 5.000m2. Hàng tháng, chị cung ứng cho thị trường khoảng 2-3 kg trứng "ruồi lính đen" với giá bán trên 5 triệu đồng/kg, cộng với tiền bán gà, heo thu nhập trên 200 triệu đồng.

Với giá trị kinh tế mang lại từ mô hình nuôi "ruồi lính đen" kết hợp với chăn nuôi, tin rằng mô hình sẽ được nhân rộng trong thời gian tới, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho các gia đình ở khu vực nông thôn.