Nhìn lại hoạt động nuôi thủy sản từ đầu năm đến nay có chuyển biến theo chiều sâu, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hướng đến ổn định diện tích thả nuôi và tăng năng suất thu hoạch; đồng thời, đa dạng đối tượng nuôi nhằm giảm thiểu rủi ro. Ngoài tôm thương phẩm là đối tượng nuôi chủ lực, thì gần đây mô hình nuôi cá lồng phát triển mạnh. Chỉ tính riêng khu vực quy hoạch nuôi trồng thủy sản C1, C2 (Ninh Hải) đã có trên 100 lồng nuôi cá các loại. Hộ nuôi gặp thuận lợi nhờ có nguồn giống chất lượng cao do Trung tâm Giống thủy sản cấp 1 Ninh Thuận và các cơ sở ương dưỡng giống thủy sản cung cấp.
Nông dân huyện Ninh Hải chăm sóc thủy sản. Ảnh: V.M
Hướng tới hoạt động nuôi thủy sản ổn định trong mọi điều kiện thời tiết ở vùng biển, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi Cục thủy sản tăng cường công tác quản lý nhà nước về thủy sản, triển khai kế hoạch sản xuất, lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản ngay từ đầu năm; giám sát chặt chẽ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh; quan trắc môi trường và kịp thời đưa ra cảnh báo, khuyến cáo về tình hình dịch bệnh cũng như ô nhiễm môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản. Kiểm tra đánh giá và cấp 29 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ương dưỡng giống thủy sản và kiểm dịch động vật thủy sản theo quy định. Qua đó, đã kiểm dịch 2,62 triệu con cua xanh, 2,64 triệu con cá chẽm, 204.000 con cá bóp, 43.000 con cá bè vẫu, 41.000 con cá mú, 503.000 cá chim vây vàng và 121,36 triệu ốc hương giống. Nhờ có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các địa phương trong hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nên sản lượng cá nuôi cao, đạt 617,8 tấn, tăng 4,10% so với cùng kỳ năm ngoái.
So với hoạt động nuôi cá lồng, nuôi tôm thương phẩm gặp khó khăn hơn do ảnh hưởng dịch COVID-19, giá tôm giảm. Diện tích nuôi tôm thương phẩm trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay là 640,6 ha, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Đáng nói là, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường mặt nước, nhiều hộ ở Đầm Nại chuyển từ nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh sang hình thức quảng canh cải tiến, nuôi ghép đa đối tượng, nuôi tôm mật độ thấp, vừa phù hợp điều kiện kinh tế, vừa quay vòng vốn nhanh. Tại những khu vực nuôi tôm trên cát, phần lớn diện tích thả nuôi tôm thương phẩm tập trung tại các hộ nuôi lớn và chủ yếu thả nuôi theo hình thức cuốn chiếu, vừa thả vừa theo dõi tình hình dịch bệnh, biến động của giá cả thị trường. Một số doanh nghiệp, hộ nuôi đã mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi tôm thương phẩm sang phát triển nuôi một số loại cá biển xen kẽ trong các bè tôm hùm; nuôi hàu Thái Bình Dương trong ao nuôi tôm kém hiệu quả; nuôi ốc hương trên cát…
Nông dân huyện Ninh Hải chăm sóc thủy sản. Ảnh: V.M
Mục tiêu ngành Thủy sản đặt ra trong năm 2020 diện tích nuôi tôm trên 700 ha, sản lượng khoảng trên 5.000 tấn. Để thực hiện đạt mục tiêu trên, Chi cục Thủy sản phân công cán bộ địa bàn triển khai giới thiệu cho hộ nuôi một số dự án, mô hình nuôi có hiệu quả như nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP. Thông báo và giám sát chuyển đổi mục đích sử dụng tôm giống bố mẹ, đã kiểm dịch 5,41 tỷ con Naupliius, 4.253 tôm sú bố mẹ, 3.180 tôm thẻ chân trắng bố mẹ, 1,48 triệu con tôm càng xanh. Tiếp tục triển khai công tác quan trắc môi trường cảnh báo dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh theo định kỳ 1 lần/tháng, đột xuất hoặc tăng cường tại các vùng nuôi tập trung của tỉnh; theo dõi quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại thức ăn, chế phẩm sinh học sử dụng trong nuôi trồng thủy sản lưu thông trên địa bàn toàn tỉnh.
Nuôi tôm thương phẩm những tháng cuối năm 2020 có khởi sắc mới. Sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có hiệu lực, đầu tháng 9 vừa qua Thông Thuận Group là doanh nghiệp đầu tiên có lô tôm xuất khẩu sang châu Âu. Các đơn hàng của Thông Thuận Group tại thị trường châu Âu tăng mạnh trong quý IV năm 2020 sẽ khuyến khích các hộ nuôi tôm thương phẩm mở rộng diện tích nuôi để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đầu vào của các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu.
Anh Tùng