(NTO) Thuở nhỏ buổi đến trường, buổi chăn trâu ngày ngày chìm ngập trong cây cỏ của núi rừng. Những tháng nắng, những ngày mưa, miền đất quê tôi cũng dữ dội, ào ạt nhưng cũng hùng vĩ, nên thơ. Cỏ may găm tím một miền thương nhớ trong ký ức tôi.
Buổi chăn trâu bên bìa rừng, chúng tôi cũng hồn nhiên lăn lộn, cũng chạy nhảy và nô đùa quên đi có loài cỏ vẫn âm thầm bám dính vào quần áo. Thuở ấy, lũ trẻ chúng tôi thường bực tức bởi gỡ mãi mà không hết. Dầu chỉ đi ngang qua vệt cỏ may nhỏ, cũng để lại bao dấu ấn ghim đầy trên vạt quần như bám víu, như van nài: -“Cho tôi theo với!” Và cũng thật lạ! Loài cỏ ấy đã đi theo tôi suốt thời thơ ấu.
Xóm nghèo tôi xưa, ai ai cũng lam lũ lo toan cuộc sống của thời hậu chiến tranh. Người ta gọi xóm tôi là “Lò Than” bởi là vùng mới khai hoang, cổ thụ nhiều, đốt đi còn những ụ than to, đi đâu cũng thấy màu đen của than và khói. Đấy là tôi nghe bố mẹ thường kể bên hiên nhà mỗi bữa cơm chiều. Bố kể những người sống ở đây là dân tứ xứ, hết chiến tranh, quên thù hận, quên quá khứ, muốn xây dựng lại cuộc sống mới, ai ai cũng đầy niềm tin và hy vọng ở tương lai tươi sáng.
Tuổi thơ tôi tràn ngập ký ức cỏ may. Những tháng nắng, khi cỏ may chưa ra hoa, từng cụm lá chen chúc làm thành chiếc thảm xanh khổng lồ mà ngày ngày chúng tôi lăn lộn đã thành dấu tích bào mòn một lớp cỏ, để trơ ra miếng đất đỏ lòm lành lạnh. Cuối mùa mưa, cỏ may bắt đầu dựng ngọn, đâm hoa. Hoa cỏ may lạ lắm! Đâm thẳng lên bầu trời mà nghiêng nghiêng, mà nhọn nhọn như thách thức, như ương ngạnh bất chấp những cơn mưa cuối mùa dữ dằn, kiêu ngạo hay trêu đùa với lũ gió lẳng lơ thổi. Nay đi xa lại nhớ cỏ may da diết!
Cũng có lúc tìm về với những mảnh ghép của ký ức tuổi thơ, lần tìm bên mảnh bìa rừng không còn cỏ may, mà mọc lên những ngôi nhà san sát, những hàng tạp hoá, những garage ô-tô. Loài cỏ ương ngạnh ấy không đủ sức mà ương ngạnh, mà chống chọi với tốc độ đô thị hoá nữa rồi. Những buổi chiều tôi lang thang suốt dọc con đường quê, ký ức lại trở về - thứ cỏ trải tím miền thương nhớ tôi - Cỏ may!
Đức Minh