(NTO) Mùa thu, bầu trời thường rất cao và rất xanh. Tôi đang đứng giữa vườn cau ngày nào. Những hàng cau của ông trồng ngày xưa giờ đã cao hơn cả bụi tre đầu làng. Cây còn đó, nhưng người giờ đã không còn ... Bỗng khóe mắt tôi cay xè, mọi thứ nhòe đi. Bất chợt, những kỷ niệm trong tôi ùa về...
Cái thời xa xưa ấy ...
Tôi sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng ven đô xứ Quảng. Những cánh đồng với đàn cò thẳng cánh, những dòng sông êm đềm quanh năm đầy ắp cá, tôm, lũy tre đầu làng, ... tất cả những thứ đó lớn lên cùng tôi và giờ nó là một mảnh ký ức về một tuổi thơ êm đềm.
Gia đình tôi có bốn người: ông nội, bố, mẹ và tôi. Bà tôi mất sớm, một mình ông, gà trống nuôi ba người con ăn học nên người. Khi tôi lên bảy, bố mẹ lên thành phố làm việc. Tôi được gửi cho ông chăm sóc. Ông tôi đã ngoài bảy mươi, già lắm rồi. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” này, đáng lẽ ông phải được phụng dưỡng, được hưởng hạnh phúc bên con cháu quây quần, chứ không phải vác thêm gánh nặng một đứa cháu suốt ngày vòi vĩnh như tôi. Có lẽ lúc đó tôi còn nhỏ, vì thế chưa hiểu được ông đã vất vả như thế nào. Với số tiền ít ỏi ông nhận được từ bố mẹ tôi mỗi tháng, để “chiều” thêm cho tôi tiền ăn học, sách vở, quần áo, rồi cả những món đồ chơi tôi hay vòi ông mua cho bằng được, ông phải làm thêm. Từ mỗi sớm tinh mơ, ông vác cuốc ra đồng để rồi trưa lại về với tấm lưng đẫm mồ hôi. Ăn uống nghỉ ngơi, xế trưa ông lại ra đồng đến chạng vạng mới về. Cứ thế, ngày lại ngày, ông gầy đi trông thấy, mái tóc bạc trắng ngày nào giờ chỉ còn lưa thưa vài cọng dưới nắng hè, khuôn mặt phúc hậu giờ đã hằn in vô số nếp nhăn. Ông hay bảo tôi rằng ông ra đồng “tập thể dục” để sống lâu với con với cháu. Tôi chỉ biết có vậy, nhưng nào tôi có hiểu đâu ...
Càng lớn tôi học càng giỏi. Luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập cũng như công tác Đội. Ông luôn tươi cười mỗi khi tôi mang bài kiểm tra về với điểm mười đỏ chói. Ông bảo chỉ cần nhìn thấy tôi là mọi mệt mỏi bay đi đâu hết. Những khi nói như thế, ông cúi xuống bế tôi lên rồi hôn vào má. Tôi vui, ông cũng vui, dù lưng áo ông vẫn ướt đẫm mồ hôi ...
Mới đó tôi đã trở thành cậu học trò cấp 2. Ông bảo lên cấp hai là sắp trở thành thanh niên rồi. Tôi cao lớn hẳn ra và ông, dù rất muốn, cũng không thể bế tôi lên như ngày xưa được nữa. Ông già hơn, yếu hơn nhưng tình cảm ông dành cho tôi không “yếu” đi chút nào. Ông vẫn ra đồng nhưng bên cạnh lúc nào cũng có tôi. Ông cuốc cỏ, tôi xới đất, ông trồng rau, tôi tưới cây, ... Tôi tíu tít kể cho ông nghe chuyện ở trường. Tiếng cười rôm rả khắp cánh đồng chiều.
Bố mẹ làm ăn khấm khá mua hẳn một căn nhà trên thành phố. Và muốn tôi và ông chuyển lên ở cùng. Ông không đi vì tuổi ông đã cao, không quen sống trên thành phố ồn ào, vả lại ông cũng không muốn rời quê cha đất tổ. Ông khuyên tôi nên đi vì tương lai của tôi không thể bám mặt mãi ở cái đất, theo như ông gọi là “khỉ ho cò gáy” này. Tôi đã khóc, vùng vẫy rồi năn nỉ ... Ông cúi đầu, im lặng. Buổi chiều ông dẫn tôi ra đồng. Ông chỉ vào bầy chim đang bay trên trời. Ông bảo chúng bay đi nơi khác tránh rét. Chúng bay đi, bỏ lại quê hương, chúng cũng buồn nhưng buộc phải làm thế nếu không chúng sẽ chết. Và tôi cũng vậy ...
Ngày ra đi, tôi đã khóc rất nhiều, bố mẹ dỗ dành thế nào cũng không nín. Trước khi đi, ông dẫn tôi ra vườn xem hàng cau ông mới trồng. Ông bảo khi nào tôi lớn lên, tới tuổi lập gia đình, ông sẽ hái cau này làm lễ ăn hỏi cho tôi. Tôi mỉm cười, nụ cười xen lẫn nước mắt, xe chạy, tôi ngoái nhìn lại, ông vẫn đứng đó, vẫy tay chào từ biệt tôi với nụ cười quen thuộc. Tôi òa khóc ... Ông ơi!
Cuộc sống xô bồ nơi đô thị xoáy con người ta vào đó đến mức không còn nhớ gì nhiều đến kỷ niệm, người thân. Học tập, bạn bè, ... mọi thứ bận rộn đến mức tôi không còn đủ thời gian chăm sóc chính bản thân mình. Tôi ít gọi điện cho ông hơn, ít hỏi han về ông hơn, chỉ biết về ông qua những thông tin ít ỏi từ bố mẹ, và những cuộc nói chuyện của những người hàng xóm xưa tiện ghé nhà chơi khi có dịp lên thành phố. Nhưng rồi ...
Một năm trước ... Tôi nhận được tin ông mất ngay trong buổi học sáng đầu tuần. Chiếc điện thoại vẻn vẹn mẩu tin nhắn của mẹ: “Ông mất rồi, con về ngay đi!”.
Mọi thứ chợt lặng đi. Tôi đứng dậy thu xếp sách vở xin cô về. Tôi đã cố kìm nén cảm xúc, cố ngăn để mình không bật khóc ngay trong lớp học. Để rồi tôi đã khóc trên suốt quãng đường đạp xe về nhà. Ngoài trời, mưa to như trút nước ...
Hôm nay ... Tôi về thăm quê sau bao năm dài xa cách. Vẫn con đường đó, hàng cây đó. Vẫn mái đình quen thuộc ngày nào ông vẫn chở tôi về, vẫn cánh đồng xưa với tiếng cười phá tan buổi chiều làng tĩnh mịch. Hàng cau đã lớn, kết trái thành từng chùm chín đỏ, như chính tình thương của ông dành cho tôi vẫn rực cháy như ngày nào. Tất cả vẫn còn nhưng giờ ông ở đâu ... Ông ơi!
Tôi nhìn lên trời. Từng đàn chim di trú đang bay về lại vùng đất này, cái nơi đã sinh thành và nuôi nấng chúng. Bỗng tôi chợt nhận ra, thấp thoáng đâu đó, trong những đám mây, ông đang vẫy tay với tôi, miệng vẫn nở nụ cười quen thuộc ...
Phan Quang Duy, Lớp 12A2, Trường THPT Chu Văn An