Từ mức giá 1.429 USD/ounce vào đầu tháng, giá vàng thế giới trong ngày đầu tuần đã lúc chạm mốc 1.490 USD/ounce, tăng đến 60 USD/ounce. Không dừng lại ở đó, trên thị trường thế giới, loại quý kim này còn hứa hẹn sẽ tiếp tục bứt phá và đạt ngưỡng 1.500 USD/ounce trong vài ngày tới bởi những lo ngại về lạm phát và khủng hoảng nợ ở các nước châu Âu vẫn còn.
Trong khi đó, giá vàng trong nước từ đầu tháng đến nay vẫn đứng ở mốc 37 triệu đồng/lượng. Chiều 18-4, giá vàng miếng SJC tại TPHCM là 37,20 triệu đồng/lượng (mua vào) và 37,27 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 30.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước và chỉ tăng khoảng 200.000 đồng/lượng so với mức giá đầu tháng. Điều đáng nói là với mức giá hiện nay, nếu quy đổi theo giá USD liên ngân hàng là 20.935 đồng/USD thì giá vàng thế giới hiện cao hơn giá vàng trong nước 300.000 đồng/lượng.
Người dân đang chuyển sang mua vàng nữ trang thay cho vàng miếng. Ảnh: Lã Anh
Mặc dù vậy, tại TPHCM, gần đây giao dịch vàng vật chất khá trầm lắng. Nếu như thời điểm này năm ngoái nhà đầu tư vàng trong nước ồ ạt mua vào để chờ giá lên thì gần đây tình hình lại ngược lại.
Tại nhiều cửa hàng kim hoàn của các công ty sản xuất và kinh doanh vàng lớn có nhiều ngày chỉ toàn người bán, không có người mua. Dù đa số nhà đầu tư hiện nay đều thấy xu hướng giá vàng thế giới còn tăng nhưng không ai dám mạo hiểm bỏ vốn vào vàng vì lo ngại giá vàng trong nước sẽ tiếp tục diễn biến ngược chiều giá vàng thế giới. Sự ảm đạm của thị trường vàng miếng, thị trường vàng nữ trang cao tuổi như 24K, 9999 cũng không còn sôi động như những ngày đầu tháng 3.
Tại các ngân hàng thương mại, nhiều khách hàng cho biết gửi vàng vào các ngân hàng hiện nay không được hưởng lãi suất mà còn phải đóng phí. Đơn cử, tại Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh Bến Thành, sáng 18-4, một khách hàng nữ đến gửi 50 lượng vàng nhưng nhân viên ở đây từ chối và cho biết là gửi vàng ở ngân hàng này hiện nay không còn được hưởng lãi suất mà ngược lại phải chịu phí 0,2%. Không chỉ có Agribank mà hầu hết các ngân hàng thương mại hiện nay cũng từ chối huy động vàng.
Lý giải về điều này, một cán bộ của một ngân hàng cho biết, vài tháng gần đây giá vàng biến động theo hướng tăng nhiều hơn giảm, khách hàng không ai còn dám vay vàng để kinh doanh. Do đó ngân hàng không còn chủ trương huy động vàng.
Trước tình hình này, đại diện của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, Chính phủ nên tạo điều kiện để nguồn vốn từ vàng trong dân đổ vào nền kinh tế, bằng cách sớm lập sở giao dịch vàng, không nên để số lượng vàng rất lớn mà người dân đang gửi tại các ngân hàng thương mại nằm chết như hiện nay.
Tương tự ý kiến trên, tại hội thảo “Thị trường vàng Việt Nam – những vấn đề đặt ra” tổ chức tại TPHCM mới đây, nhiều đại biểu cũng cho rằng không nên cấm hoàn toàn thị trường vàng miếng vì thông thường càng cấm thì giao dịch vàng chui lại càng phát triển. Không cho giao dịch vàng miếng họ chuyển sang mua vàng nhẫn, vàng nữ trang “núp bóng” với chất lượng trôi nổi thì càng rủi ro do chất lượng vàng không đồng nhất và không đảm bảo. Nguồn vàng trong dân lưu thông nên khuyến khích các ngân hàng thương mại huy động với mức lãi suất hợp lý, sau đó chuyển sang gửi các ngân hàng nước ngoài để quy đổi ra ngoại tệ để bình ổn thị trường.
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, các quốc gia như Mỹ, Nhật, khối EU liên tiếp in tiền đưa ra lưu thông thì việc nắm giữ vàng để bảo đảm giá trị tài sản là chính đáng. Vì thế, không nên cấm giao dịch vàng miếng tuyệt đối mà chỉ nên tăng cường quản lý thị trường vàng để thị trường này hoạt động theo khuôn khổ pháp luật, hạn chế tình trạng đầu cơ, làm giá…
MAI THI
(Nguồn Báo SGGP)