Phước Hà là vùng đất anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Cán bộ và nhân dân địa phương kiên trung một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng đến ngày toàn thắng. Sau mùa xuân 1975, đồng bào xuống núi định canh, định cư đoàn kết chung tay xây dựng cuộc sống mới ngày càng no ấm. Bộ mặt nông thôn vùng cao Phước Hà khởi sắc đánh dấu bước phát triển mới đáng tự hào sau 36 năm đất nước thanh bình.
Niềm vui của già làng
Gặp lại già làng Tâu Xá Chiến ở thôn Rồ Ôn, tay bắt mặt mừng, ông nói ngay với chúng tôi:” Đời sống của bà con Phước Hà bây giờ khác trước nhiều lắm rồi. Bà con được ăn no cái bụng, được ở trong nhà xây gạch sạch đẹp rồi. Con cháu được học hành lên tới đại học rồi. Xóm làng có điện, có nước sạch sinh hoạt rồi. Đảng, Nhà nước quan tâm, bà con yên lòng lắm lắm!”. Già làng Tâu Xá Chiến đi qua tròn bảy mươi mùa rẫy, ông có cách nói hào sảng thiệt bụng, thiệt dạ của người dân vùng cao. Thời trai trẻ, Tâu Xá Chiến đã từng tham gia bộ đội địa phương đánh Mỹ trên chiến trường Ninh Thuận. Sau mùa xuân 1975, ông rời chức vụ Chính trị viên Huyện đội Anh Dũng trở về làng xây dựng bộ máy chính quyền cơ sở. Suốt một đời theo Đảng làm cách mạng, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của người đảng viên, ông góp phần cùng Đảng bộ Phước Hà lãnh đạo nhân dân thực hiện hiệu quả công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Từng kinh qua các chức vụ Phó Chủ tịch UBND rồi Chủ tịch UBMTTQVN và hiện nay Chủ tịch Hội Người Cao tuổi xã Phước Hà, ông luôn tập hợp động viên bà con đoàn kết chung sức chung lòng xây dựng thôn xóm ngày càng phát triển. Với đàn bò 20 con và 3 ha đất rẫy trồng hoa màu và 6 sào ruộng lúa chủ động tưới 3 vụ từ hệ thống thủy lợi Tân Giang đạt năng suất cao, già làng Tâu Xá Chiến nêu gương sáng người cao tuổi làm kinh tế giỏi tiêu biểu ở địa phương.
Nông dân xã Phước Hà thu hoạch vụ lúa đông-xuân.
“Phước Hà có núi cao bao bọc ba bên bốn hướng nên địa hình vô cùng hiểm trở. Các cơ quan trọng yếu của tỉnh chọn nơi đây xây dựng khu căn cứ lãnh đạo phong trào cách mạng tỉnh Ninh Thuận đến ngày toàn thắng. Đồng bào Phước Hà một lòng một dạ tin yêu Bác Hồ theo Đảng làm cách mạng. Nhiều gia đình có 2-3 thế hệ tham gia đánh Pháp, chống Mỹ xâm lược. Tính đến năm 1975, Phước Hà có 49 người con ưu tú anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Và có 6 bà mẹ vinh dự được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Tháng 12 năm 1994, quân dân xã Phước Hà được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tự hào với truyền thống cách mạng của quê hương anh hùng, đồng bào xã Phước Hà quyết tâm chiến thắng giặc đói và giặc dốt vươn lên xây dựng đời sống nông thôn miền núi ấm no”, chỉ tay về phía cánh đồng Rồ Ôn cây lúa vụ đông- xuân 2010-2011 mơn mởn lên xanh đang chuẩn bị thu hoạch, già làng Tâu Xá Chiến bộc bạch niềm vui.
Khởi sắc vùng cao
Điều chúng tôi lấy làm ngạc nhiên hôm trở lại Phước Hà là gặp nhiều chiếc xe máy cày đỏ au màu sơn kéo rơ-moóc vận chuyển nông sản trên đường làng bê tông xi măng. Trao đổi với đồng chí Tà Thía Banh, Chủ tịch UBND xã Phước Hà, chúng tôi được biết Nhà nước vừa hỗ trợ cho địa phương tám chiếc máy cày giúp nông dân cơ giới hóa đồng ruộng. Từ nguồn hỗ trợ này, chính quyền phân bổ cho các nông hộ có điều kiện bảo quản, vận hành phục vụ tốt nhu cầu sản xuất cho bà con. Toàn xã có 755 ha đất canh tác đã được áp dụng cơ giới từ khâu làm đất đến thu hoạch. Vụ đông-xuân năm nay, nông dân Phước Hà gieo 132 ha lúa, bà con ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, cây lúa chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi Tân Giang nên sinh trưởng tốt, có khả năng cho năng suất trên 50 tạ/ha. Tính riêng trong năm 2010 vừa qua, nông dân địa phương gieo trồng hai vụ lúa với diện tích 314 ha và 998 ha bắp, sản lượng đạt trên 1.500 tấn bảo đảm nguồn lương thực cho 601 hộ với 3.082 nhân khẩu. Nông dân đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc có sừng với đàn bò hiện có 2.015 con và 622 con dê cừu, bình quân mỗi hộ có 4,3 con gia súc có sừng, trị giá trên 25 triệu đồng. Các nông hộ làm kinh tế giỏi tiêu biểu của địa phương như Trà Vân Thị Thúy, Bà Râu Chuyên, Tà Yên Phố, Bà Rá Long… Nhà nước cũng đã đầu tư nhiều tỉ đồng giúp cho 240 hộ nghèo được cải thiện về nhà ở theo Chương trình 134 và Chương trình 167 của Chính phủ. Tính đến tháng 3-2011, xã Phước Hà còn 297 hộ nghèo và 80 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới. Mục tiêu của cấp ủy và chính quyền địa phương huy động mọi nguồn lực giúp hộ nghèo vươn lên làm ăn bảo đảm cuộc sống gia đình. Phấn đấu đến cuối năm 2011, xã Phước Hà giảm hoàn toàn số hộ cận nghèo.
Thầy giáo Trà Văn Bé chăm lo giảng dạy học sinh thôn Trà Nô, Phước Hà.
Đời sống kinh tế gia đình phát triển, các bậc phụ huynh chăm lo nuôi con ăn học chu đáo. Xã Phước Hà hiện có 3 sinh viên học đại học, 6 học viên trung cấp sư phạm hệ cử tuyển và 2 người tốt nghiệp đại học. Trong đó có Bác sĩ Trà Văn Long công tác tại huyện Ninh Hải và em Trà Văn Thị Thắm mới tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tài chính. Xã Phước Hà cũng đã có chị Trà Văn Thị Thúy tốt nghiệp trung cấp ngành trồng trọt. Chị Thúy trở thành "chuyên gia" nông nghiệp hướng dẫn nông dân về kỹ thuật canh tác nâng cao năng suất cây trồng. Bản thân chị trồng lúa đạt năng suất 60-70 tạ/ha trở thành “kiện tướng” trong nghề trồng lúa nước ở Phước Hà. Toàn xã hiện có 32 học sinh THPT, 198 học sinh THCS và 421 học sinh tiểu học đang học tập tại địa phương và các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh.
Chia tay xã vùng cao Phước Hà trong buổi chiều thanh bình. Từng đàn bò vàng mượt rời núi về chuồng reo vang tiếng mõ. Chúng tôi nhớ lời bộc bạch thân tình của đồng chí Tà Thía Banh: "Mục tiêu của cấp ủy và chính quyền xã Phước Hà giai đoạn 2011- 2015 là tập trung đầu tư đưa đời sống nhân dân phát triển nhanh và bền vững. Chú trọng đầu tư kỹ thuật chuyển dịch cây trồng đạt giá trị trên 25 triệu đồng/ha. Phát triển chăn nuôi gia súc có sừng theo hướng chuyên thịt hàng hóa đạt hiệu quả kinh tế cao. Phấn đấu đến năm 2015 giảm hộ nghèo xuống dưới 28%. Chăm lo động viên thanh thiếu niên tích cực học tập có trình độ học vấn cao trở về tham gia xây dựng địa phương xứng đáng với truyền thống quê hương Anh hùng”.
Trúc Phương