Các loại cây măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, mít, điều, ổi, cam vú sữa, bưởi, quít, bơ…đang vào mùa ra hoa kết quả. Hương thơm tinh khiết lan tỏa của những loài cây đặc sản miệt vườn mang đậm nét Nam bộ này lại tươi tốt ở xứ hạn mới là điều kỳ lạ!
Các loại trái cây đặc sản, chất lượng cao như : điều, sầu riêng, mít, măng cụt, chôm chôm, bơ, mận,…
Đèo Ngoạn Mục hay còn gọi là đèo Sông Pha là một trong những đèo núi đẹp nhất Việt Nam tại Ninh Thuận, dài 18,5 km ngoằn ngoèo chạy men theo những sườn núi dựng nối thung lũng Ninh Sơn với cao nguyên Lang Biang, có độ dốc trung bình trên 9 độ, là đèo có độ dốc lớn nhất ở các tỉnh phía Nam. Nằm trên quốc lộ 27A từ Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đi Đà Lạt, đèo có độ cao khoảng 200m ở điểm thấp nhất và lên tới 980 m ở đỉnh đèo.
Đèo Ngoạn Mục- Thác Sakai và những vườn trái cây treo lưng núi là nét riêng có độc đáo ở vùng đất Sông Pha. Cách đây hơn một trăm năm trước, nhà thám hiểm- bác sĩ nổi tiếng A.Yersin đã từng dừng chân “đóng quân” trước khi đến với cao nguyên Lang Biang phát hiện ra một Đà Lạt thơ mộng ngày nay. Đèo Sông Pha còn là điểm dừng chân của du khách trong vùng “tam giác xanh” Đà Lạt- Phan Rang- Nha Trang. Sở dĩ nơi này thích hợp với nhiều loại cây ăn quả vì với độ cao hơn 300 mét so với mặt nước biển, vùng Sông Pha có khí hậu ôn đới bốn mùa mát mẻ như khí hậu cao nguyên Lang Biang. Đất đai vùng này rất thích nghi cho các loài cây ăn trái. Năm 2007, tỉnh Ninh Thuận có dự án mời gọi các nhà đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái thác Sakai và đèo Ngoạn Mục trở thành nơi dừng chân lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Dự án này bao gồm hệ thống các nhà nghỉ bungalows, khu vui chơi thác Sakai, các điểm dừng chân ngắm cảnh dọc đường đèo Ngoạn Mục với nguồn vốn đầu tư dự kiến trên 30 tỷ đồng.
Thác Sakai, cảnh đẹp đang được địa phương có dự án kêu gọi đầu tư du lịch sinh thái.
Một cán bộ thuộc ban kinh tế xã Lâm Sơn cho biết: Chính quyền địa phương đang khởi đầu bước đi xây dựng thương hiệu cho dòng trái cây đặc sản Sông Pha có diện tích hơn 200 ha. Nhờ điều kiện khí hậu đất đai đặc biệt nên chất lượng trái cây ở đây thơm, ngon. Chôm chôm, măng cụt, bơ “made in Sông Pha” có giá bán cao hơn trái cây cùng loại ở các nơi khác. Giá trị kinh tế của một héc ta vườn hiện nay cũng chỉ khoảng 50 triệu đồng/năm. Xã Lâm Sơn dự tính trong thời gian tới sẽ xây dựng vườn cây chuyên canh chất lượng cao và đăng ký thương hiệu hàng hóa. Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông nghiệp Đông Nam bộ- Tây nguyên cử cán bộ về địa phương điều tra xây dựng đề án đầu tư phát triển kinh tế vườn mở rộng đến 350 ha theo hướng chuyên canh cây đặc sản chất lượng cao. Anh Nguyễn Trung Thành, một nông dân bám trụ xây dựng vườn cây dưới chân đèo Ngoạn Mục tâm sự: "Tôi có 6 sào vườn trồng sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, chuối tiêu. Cả nhà có 5 miệng ăn sinh sống nhờ vào lợi tức hoa trái. Gia đình tôi sống khá lên nhờ hàng năm cứ vào dịp tháng 6 dương lịch là thương lái từ các nơi nhộn nhịp tìm về vườn thu mua trái cây”.
Anh Nguyễn Trung Thành ở Lâm Sơn có cuộc sống ổn định nhờ phát triển kinh tế vườn.
Quả thật, khi đến vườn cây lưng núi ở chân đèo Ngoạn Mục du khách sẽ được thưởng thức cảnh quan hữu tình cùng hương vị các loại cây trái, cảm thấy mát mẻ và dễ chịu hơn. Hy vọng vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao kết hợp với du lịch sinh thái ở xã Lâm Sơn sẽ mở ra hướng phát triển bền vững.
Hữu Thành