Thông qua công tác tuyên truyền, ngư dân đã nhận thức được tác hại của việc vi phạm vùng biển nước ngoài, công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng theo khuyến nghị của EC có nhiều tiến bộ, đa phần các tàu đánh bắt xa bờ đều tuân thủ nghiêm túc việc khai báo, nộp sổ nhật ký khai thác.
Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết: Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 45 của Chính phủ, sở đã thành lập, ban hành quy chế hoạt động của Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tỉnh Ninh Thuận; đồng thời, chỉ đạo đơn vị chức năng nắm chắc số lượng tàu cá khai thác xa bờ, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá và đánh dấu tàu cá, tạo thuận lợi cho công tác theo dõi, cảnh báo các tàu cá ra ranh giới tự do đánh bắt. Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản, hiện toàn tỉnh có 642 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát, đơn vị tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc quy trình xử lý dữ liệu giám sát hành trình tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa các thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển. Đồng thời, đang xem xét phê duyệt Quy trình xử lý tàu cá mất kết nối trên biển và Quy trình xử lý tàu cá vượt ranh giới đối với tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 42m.
Ngư dân Thuận Nam chấp hành tốt việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước khi ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: Văn Nỷ
Nhờ làm tốt công tác giám sát hành trình tàu cá, nên số tàu của ngư dân tỉnh ta vi phạm IUU thấp hơn so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Đến thời điểm hiện nay, chỉ có 48 trường hợp vi phạm IUU, với những lỗi cơ bản như: Ghi nhật ký khai thác hải sản không đầy đủ, không trang bị thiết bị thông tin liên lạc, sử dụng lưới cá có kích thước nhỏ... Một số tàu cá của tỉnh ta hoạt động khu vực phía Nam, vùng biển các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu tiềm ẩn nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài, một số tàu chưa chấp hành việc khai báo rời, cập cảng và nộp sổ nhật ký khai thác theo quy định.
Nguyên nhân của hạn chế được xác định là do nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, vì lợi ích trước mắt, một số ngư dân đã sang vùng biển nước ngoài đánh bắt. Qua theo dõi hệ thống hành trình tàu cá, ngành chức năng phát hiện 9 trường hợp vượt ranh giới trên biển để đánh bắt hải sản, đặc biệt là khu vực giáp ranh giữa tỉnh Kiên Giang và Campuchia. Theo đồng chí Đặng Kim Cương, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp với các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu trong công tác chống khai thác IUU. Sở cũng đang tổ chức đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, mở 4 lớp tập huấn chống IUU cho 237 cán bộ công chức, viên chức ngành Thủy sản và các địa phương ven biển. Tiến hành rà soát, lập danh sách các tàu có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài để có giải pháp quản lý phù hợp; trực tiếp làm việc với chủ tàu hoạt động trên biển thường xuyên mất tín hiệu giám sát hành trình nhưng không thông tin, báo cáo về trạm bờ để tuyên truyền, giáo dục và xử lý nghiêm nếu tái phạm; gửi danh sách các tàu cá hết hạn giấy phép khai thác hải sản cho các tỉnh biết, ngăn chặn không cho ra khơi. Sở NN&PTNT cũng đang triển khai đồng bộ các biện pháp để đảm bảo 100% tàu cá thuộc diện bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình phải thực hiện trước khi hoạt động trên biển, ghi nộp báo cáo, nhật ký khai thác hải sản theo quy định. Đối với các tàu cá nếu không lắp đặt thiết bị giám sát tàu, sẽ không cho khai thác hải sản và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình ngắt kết nối với trạm bờ cũng như không chấp hành các nội dung quy định của Luật Thủy sản năm 2017.
Anh Tùng