TS. Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, những năm qua Viện đã không ngừng chú trọng công tác nghiên cứu khoa học trên đối tượng cây trồng đặc thù, có lợi thế cạnh tranh của Ninh Thuận như nho, táo, măng tây xanh. Cụ thể, trong chương trình nghiên cứu cây ăn quả, Viện chọn được giống nho mới NH01-152 có nhiều đặc tính tốt như khối lượng quả lớn, năng suất, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá trị kinh tế cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống nho cho sản xuất thử.
Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố chuyển giao giống nho NH01-152 cho nông dân
xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) sản xuất mang lại thu nhập cao. Ảnh: Phan Bình
Song song đó, Viện cũng đã và đang tiếp tục tuyển chọn các giống cây ăn quả phù hợp với vùng khô hạn Nam Trung Bộ như táo, mít, xoài, mãng cầu, nhãn, ổi. Kết quả bước đầu đã xác định được giống táo NT05 có triển vọng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Ninh Thuận, chuyển giao cho nông dân sản xuất trên diện rộng. Trước tình hình hạn hán thường xuyên xảy trên địa bàn tỉnh, nên gia súc thiếu hụt thức ăn, Viện đã chủ động đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chương trình nghiên cứu nhóm cây làm thức ăn gia súc và công nghệ chế biến, bảo quản để đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững.
Đáng ghi nhận trong thời gian gần đây là Viện tham gia tích cực và có hiệu quả chương trình cánh đồng mẫu lớn, chú trọng xây dựng và hình thành các chuỗi giá trị như: Mô hình liên kết sản xuất nho gắn với chế biến vang nho giữa Ninh Thuận với Lâm Đồng; xây dựng mô hình sản xuất cây đinh lăng lá nhỏ làm dược liệu theo tiêu chuẩn GACP; tăng cường hoạt động dịch vụ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật bao chùm quả nho, dịch vụ đào tạo nghề cho nông dân.
Có thể nói, hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã giúp nông dân trong tỉnh làm chủ công nghệ mới để giải quyết các vấn đề cơ bản về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng các loại cây chịu hạn có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp an toàn được nông dân ở các địa phương trên toàn tỉnh nhân rộng. Một số đề tài, dự án thực sự là điểm sáng về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
TS. Phan Công Kiên, cho biết thêm: Kế thừa, phát huy hiệu quả đạt được phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, thời gian tới, Viện tiếp tục bám sát định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và sản xuất, đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trong đó chú trọng lĩnh vực ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Viện quyết tâm nâng cao tiềm lực khoa học- công nghệ và không ngừng phấn đấu, phát triển để khẳng định được vai trò, vị thế là đơn vị hàng đầu trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Anh Tùng