Hiệu ứng tích cực từ Nghị quyết 11 của Chính phủ

Hạn chế lạm phát, “cắt sốt” thị trường vàng, ngoại tệ; các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện cắt giảm các hạng mục đầu tư chưa cần thiết trong thời gian qua cho thấy hiệu ứng tích cực từ Nghị quyết 11 của Chính phủ.

           Sau hơn 1 tháng triển khai đến nay, Nghị quyết 11 của Chính phủ càng chứng tỏ là giải pháp đúng đắn cả về lý thuyết và thực tiễn, do đang phát huy tác dụng tích cực đến đến thị trường tiền tệ, nhất là thị trường ngoại hối USD, vàng. Vấn đề hiện nay là các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện với sự đồng thuận và chia sẻ để quyết sách này đi vào cuộc sống.

         Hạn chế tác nhân lạm phát

         Có thể thấy, Nghị quyết 11 đã được sự hưởng ứng đồng thuận một cách nhanh chóng của các cơ quan ban ngành, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài. Các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá rất cao tinh thần Nghị quyết 11.

        Ở trong nước, có thể thấy Nghị quyết 11 đáp ứng nhanh với thị trường. Ngay khi Chính phủ đưa ra 6 nhóm giải pháp trong vòng 1 tháng, các bộ ban ngành đã có chương trình hành động và có tác động tức thời đến thị trường.

       Theo đó, thị trường ngoại tệ và vàng đã cắt được “cơn sốt” so với trước đó, nhất là “cơn sốt” USD. Đến nay, giá USD đã ổn định và đi xuống. Giảm sốc về USD trên thị trường nên giá USD trên thị trường chính thức và thị trường tự do sát gần nhau. Tỷ giá ổn định tương đối sẽ hạn chế bớt tác nhân gây lạm phát.

       Đây là yếu tố rất quan trọng bởi nếu chúng ta không ổn định được tỷ giá trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng lên, dẫn đến chi phí đầu vào tăng thì nền kinh tế nước ta có nguy cơ bùng nổ lạm phát giống như thời kỳ năm 2008 do vừa kết hợp của lạm phát thế giới cộng với tỷ giá (một hình thức lạm phát kép).

      Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quy định trần lãi suất huy động USD không quá 3%. Như vậy người có USD sẽ cân nhắc việc nên tiếp tục giữ hay bán USD để gửi tiền đồng vì lãi suất tiền đồng cao và cơ hội để gửi tiền đồng lãi suất cao sẽ giảm dần do khi đã kiềm chế lạm phát lãi suất tiền đồng sẽ giảm.

      Điều này sẽ dẫn đến một số người dân bán USD để chuyển sang gửi tiền đồng. Khi đó lượng cung USD sẽ tăng lên sẽ làm cho giá USD hạ. Khi giá USD không còn “sốt” thì việc người dân bán USD để lấy tiền đồng gửi tại ngân hàng càng nhiều hơn và quyết sách đó của NHNN là quyết sách đúng.

       Đồng thời việc NHNN vừa nâng dự trữ bắt buộc từ 4 lên 6% đối với tiền gửi ngoại tệ cá nhân bằng USD đã giúp cho NHNN thu hút được một lượng ngoại tệ gửi vào làm tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Điều này cũng làm tăng lãi suất cho vay của các NHTM đối với ngoại tệ. Như vậy, kết hợp với thông tư của NHNN trong việc hạn chế cho vay ngoại tệ cùng với lãi suất ngoại tệ tăng lên thì nhu cầu vay ngoại tệ sẽ giảm. Khi giảm bớt được nhu cầu vay ngoại tệ sẽ khuyến khích hoạt động vay/cho vay sang hoạt động mua/bán nhiều hơn.

       Nghị quyết 11 không chỉ kiểm soát tốt tỷ giá mà còn ổn định được thị trường vàng. Khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới liên thông với nhau sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ buôn lậu vàng.

      Theo Nghị quyết 11, Chính phủ khẳng định vẫn đảm bảo quyền tích trữ vàng và ngoại tệ của người dân, nhưng dứt khoát không dùng vàng, USD, ngoại tệ làm phương tiện thanh toán. Khi loại bỏ việc dùng vàng và USD làm phương tiện thanh toán thì lúc đó chính sách tiền tệ sẽ phát huy tốt hơn, giá trị của đồng Việt Nam sẽ được nâng cao.

       Đẩy mạnh việc giảm bội chi ngân sách qua chính sách tài khóa

      Mũi nhọn thứ 2 trong Nghị quyết 11 là chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách, phấn đấu năm nay giảm bội chi ngân sách dưới 5% GDP.

      Việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo Nghị quyết 11 sẽ góp phần tiết kiệm chi ngân sách khoảng từ 15.000-20.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc cắt giảm đầu tư công hoặc chuyển những dự án nhà nước không tập trung đầu tư sang liên doanh, liên kết có thể đạt số tiền 40.000-50.000 tỷ đồng.

      Các doanh nghiệp nhà nước cũng mạnh tay cắt giảm các dự án chưa cấp bách, chưa cần thiết hoặc hiệu quả không cao. Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa công bố cắt giảm khoảng 12.572 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí cắt giảm khoảng trên 6.600 tỷ đồng; 20 doanh nghiệp nhà nước sẽ báo cáo chính thức số dự án cắt giảm trong tháng 4 này.

       Như vậy việc mạnh tay cắt giảm đầu tư công có thể cắt giảm hoặc tiết kiệm trên hàng trăm ngàn tỷ đồng sẽ góp phần giảm tổng cầu, giảm nhập siêu và góp phần kiềm chế lạm phát.

      Tuy nhiên, để Nghị quyết 11 của Chính phủ thực sự phát huy hiệu quả trong đời sống kinh tế đòi hỏi trong thời gian tới, các bộ ban ngành các địa phương phải mạnh tay chung sức trong việc kiểm soát chặt chẽ đầu tư công bằng cách giám sát và theo dõi chặt chẽ quá trình thực hiện chứ không phải chỉ là việc đăng ký danh sách các dự án đình hoãn, tiết giảm … rồi sau đó lại triển khai.

        Về mục tiêu thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu để giảm nhập siêu, trong quý I/2011 nhập siêu nước ta khoảng 3 tỷ USD, với tỷ lệ 15,7% trên kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, việc kiểm soát nhập siêu bước đầu đã đạt mục tiêu (dưới 16%). Bên cạnh đó, điều đáng mừng là giải ngân vốn đầu nước ngoài trong quý I cũng gia tăng, trong đó tháng 3 lượng vốn được giải ngân gấp 3 lần so với tháng 1. Thêm nữa, để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, Chính phủ cũng đã ban hành văn bản gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tháo gỡ khó khăn. Điều này góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, qua đó tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội để đưa đất nước vượt qua khó khăn.

Nguồn www.chinhphu.vn