Thực hiện NQ 11 của Chính phủ và những giải pháp cụ thể về tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chi nhánh NHNN Ninh Thuận đã ban hành Đề án Xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp tiền tệ năm 2011 phù hợp với những điều kiện và tình hình tài chính trên địa bàn tỉnh.
Với mục tiêu đảm bảo cho thị trường tiền tệ trong tỉnh được ổn định, an toàn, tăng trưởng tín dụng tối đa không quá 25% với lãi suất hợp lý trên cơ sở tiết kiệm chi phí, NHNN tỉnh chỉ đạo tập trung ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh, khu vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm tỷ trọng cho vay lĩnh vực phi sản xuất, chuyển dịch cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Giải pháp tăng cường huy động vốn được đưa ra với quy định mới về mức lãi suất trần huy động vốn bằng đồng Việt Nam tại Thông tư 02/2011/TT-NHNN. Theo đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) ấn định lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam (lãi suất tiền gửi, lãi suất chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu) của các tổ chức, cá nhân bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức không vượt quá 14%/năm; riêng các Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở ấn định không vượt quá 14,5%/năm. Muốn như vậy, NHNN xác định phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc niêm yết lãi suất và thực hiện của các TCTD trên địa bàn. Đồng thời chú trọng tăng cường huy động vốn trung, dài hạn trong dân cư để tạo nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu của các thành phần kinh tế trên địa bàn, tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương.
Phục vụ tăng trưởng GDP của tỉnh 14-15% (tăng trưởng nội bộ 10-11%), NHNN tỉnh xác định tăng trưởng tín dụng tối đa 25%. Về cơ cấu đầu tư, điều chỉnh mạnh mẽ theo hướng tập trung vốn đầu tư cho lĩnh vực sản xuất để tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, đầu tư vốn cho các phương án kinh doanh theo quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, giảm tốc độ và tỷ trọng cho vay phi sản xuất. Dự kiến tổng dư nợ theo cơ cấu kinh tế năm 2011 là 6.050 tỷ đồng.
Về lãi suất cho vay, NHNN chỉ đạo các TCTD tiết kiệm chi phí để giảm dần lãi suất cho vay, nhất là lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất (mà theo đánh giá hiện nay là còn khá cao). Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất (cho vay, đầu tư, kinh doanh bất động sản, tiêu dùng, chứng khoán,…) của các TCTD. Kết hợp song song với áp dụng triệt để các biện pháp kiểm soát hoạt động cho vay bằng ngoại tệ, hạn chế cho vay nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu.
Những biện pháp cụ thể mà NHNN đưa ra đã được các TCTD tổ chức thực hiện và bước đầu tạo sự đồng thuận. Ông Nguyễn Hùng – Giám đốc Ngân hàng Sacombank chi nhánh Ninh Thuận – cho biết, đơn vị đã có hướng dẫn cụ thể, từ nay đến 30-6 phải giảm cho vay lĩnh vực phi sản xuất xuống còn 16%/tổng dư nợ, tổng dư nợ đến ngày 31-12 tăng trưởng không quá 19,8% so đầu năm. Nhưng đa số khách hàng hiện nay của chi nhánh đều vay trả góp trung và dài hạn nên việc giảm dư nợ sẽ khó khăn vì phải tuân theo các quy định tại Hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng. Đây là khó khăn của Sacombank gặp phải khi thực hiện theo đề án của NHNN tỉnh. Nhìn chung, theo nhận định của các ngân hành thương mại trong tỉnh những giải pháp đưa ra là khá hay, cần thiết phải thực thi để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát.
Hồng Nhạn