Bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế trong quý I năm nay, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến bất lợi nhưng với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã bám sát và cụ thể hóa kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chỉ đạo, điều hành của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết 11/NQ-CP phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ đó, kinh tế của tỉnh vẫn tiếp tục giữ được nhịp độ phát triển. Trong đó, tăng trưởng GDP đạt 11,6%. Giá trị gia tăng của một số ngành kinh tế chủ lực có nhiều chuyển biến đáng kể như nông-lâm-nghiệp và thủy sản tăng 9%, công nghiệp- xây dựng tăng 19,9%, dịch vụ tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Chế biến sản phẩm nước yến tại Công ty Yến Việt Ninh Thuận. Ảnh: Thanh Long
Ghi nhận đầu tiên là về sản xuất nông nghiệp. Do thời tiết tương đối thuận lợi, nguồn nước tưới được bảo đảm nên sản xuất vụ đông-xuân phát triển khá, diện tích gieo trồng 22.479 ha, tăng 5,1% so với cùng kỳ, trong đó cây lúa 14.349 ha, tăng 11,3%; dịch bệnh trên cây trồng được kiểm soát chặt chẽ. Một số mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng như sản xuất giống đã mở rộng trên 1.025 ha cộng với giá cả tiêu thụ nông sản thuận lợi nên góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho nhiều nông hộ. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, nhờ giá cả tiêu thụ thuận lợi, công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được thực hiện tốt nên qui mô tổng đàn gia súc toàn tỉnh được ổn định với trên 249 ngàn con, tăng 0,6% so với cuối tháng 10-2010. Đàn gia cầm đạt trên 1.500 nghìn con, tăng 22%.
Lĩnh vực thủy sản cũng đạt nhiều kết quả đó là sản lượng tăng cả về khai thác lẫn nuôi trồng với chỉ số tăng lần lượt là 15,6% và 36,4% so với cùng kỳ năm trước.
Góp phần tạo nên diện mạo mới cho nền kinh tế của tỉnh trong quý đầu và năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII phải kể đến lĩnh vực công nghiệp với giá trị sản xuất tăng 25,8% so với cùng kỳ. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng, tạo tăng trưởng chung cho ngành như: chế biến thủy sản tăng 24,8%, nhân điều tăng 20,5%, chế biến đường tăng 25,4%, xi-măng tăng 13%, tinh bột mỳ tăng gấp 2,5 lần. Điều cũng đáng ghi nhận là một số cơ sở sản xuất đã đầu tư chiều sâu, mở rộng qui mô sản xuất, tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm như Cty CP Nông Sản Ninh Thuận đầu tư hệ thống dây chuyền tự động chế biến nhân hạt điều; Cty Cổ phần Mía đường Phan Rang đầu tư nâng công suất ép mía từ 700 tấn/ngày lên 1.000 tấn/ngày; Cty TNHH Thông Thuận đầu tư nâng cấp thiết bị nhà máy chế biến thủy sản Phan Rang đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Nhật. Mặt khác một số dự án sản xuất công nghiệp được đẩy nhanh tiến độ như Nhà máy Chế biến nước yến giai đoạn II; Dự án Khu liên hợp chế biến các sản phẩm muối cao cấp và muối I- ốt công suất 200 ngàn tấn/năm (giai đoạn 2) dự kiến sẽ hoàn thành trong quý II/2011.
Ngành thương mại, dịch vụ tiếp tục khởi sắc. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 3 tháng đầu năm đạt trên 1.810 tỷ đồng tăng 23,1% so cùng kỳ. Đáng nói là để góp phần bình ổn thị trường, nhất là trong dịp tết tỉnh đã hỗ trợ doanh nghiệp vay 10 tỷ đồng lãi suất 0% để dự trữ hàng hóa. Ngoài ra còn vận động doanh nghiệp thực hiện 17 đợt đưa trên 300 mặt hàng trong nước về thị trường nông thôn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Dịch vụ vận tải hành khách công cộng được duy trì, năng lực vận tải được đầu tư mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân, tổng mức luân chuyển hàng hóa tăng 17,5% và luân chuyển hành khách tăng 62,6%. Nét mới nổi lên qua hoạt động du lịch đó là các doanh nghiệp đã chủ động tổ chức các hoạt động thu hút du khách trong dịp Tết Nguyên đán, kết hợp khai thác tốt hơn các tour du lịch gắn với các điểm du lịch văn hoá, làng nghề, du lịch sinh thái...Theo thống kê trong quý đã thu hút hơn 214 ngàn lượt khách, tăng 19,6% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế khoảng 19 ngàn lượt.
Lĩnh vực xuất khẩu cũng có nhiều điểm mới so với các năm trước, đó là thị trường xuất khẩu được phục hồi, giá tiêu thụ cao, hầu hết các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều tăng, trong đó xuất khẩu thủy sản đạt 2,1 triệu USD, tăng gấp 2 lần; xuất khẩu nhân hạt điều 6,6 triệu USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ...góp phần đạt kim ngạch xuất khẩu chung trên 15,5 triệu USD, bằng 22% kế hoạch, tăng 93,8% so cùng kỳ.
Kết quả cũng đáng được ghi nhận nữa là tình hình thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế đạt nhiều kết quả khả quan. Trong quý, có 59 dự án đăng ký đầu tư, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án với vốn đăng ký trên 5.800 tỷ đồng ( trong đó có 1 dự án FDI, vốn đăng ký 5.200 tỷ đồng) và chấp thuận chủ trương địa điểm đầu tư cho 7 dự án, vốn đăng ký 1.820 tỷ đồng. Trong số này có một số dự án qui mô lớn như dự án Nhà máy Điện gió Phước Nam 124,5 MW đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch, dự án Nhà máy Chế biến sâu Titan 60.000 tấn xỉ/năm.
Đối với các dự án ODA cũng được triển khai thực hiện tốt. Theo đó, tập trung triển khai 21 dự án ODA, vốn cam kết 2.366 tỷ đồng, ngoài ra đã cơ bản hoàn thành thủ tục tiếp nhận 3 dự án mới và xúc tiến vận động 5 dự án khác thuộc các lĩnh vực y tế, dạy nghề, hạ tầng đô thị.
Để tạo sức bật cho nền kinh tế của tỉnh các ngân hàng đã triển khai kịp thời các biện pháp thắt chặt tiền tệ góp phần kiềm chế lạm phát. Mặt khác, các ngân hàng thương mại còn triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về điều hành tiền tệ như điều chỉnh lãi suất cho vay, điều chỉnh tỷ giá, tăng huy động vốn đáp ứng yêu cầu vốn cho nền kinh tế...Tính đến cuối tháng 3-2011, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đầu tư vào nền kinh tế đạt trên 5.000 tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ.
Những kết quả đã đạt được như đã nêu trên tuy chỉ là bước khởi đầu của năm kế hoạch nhưng thiết nghĩ đây sẽ là “bệ phóng” để đẩy kinh tế của tỉnh vượt qua khó khăn sớm về đích.
Tuấn Dũng