Phát triển rừng bền vững
Toàn tỉnh hiện có 204.217 ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó, rừng đặc dụng 41.728 ha, rừng phòng hộ 128.198 ha, rừng sản xuất 34.290ha. Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng (QL,BVR) các cấp, ngành, chính quyền địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc thực hiện chính sách giao rừng khoán quản cho TCĐ nhận bảo vệ có tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân trong chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.
Là đơn vị quản lý trên 25.882 ha rừng, để làm tốt công tác QL,BVR, năm 2017, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Tân Giang đã thực hiện việc giao khoán BVR cho TCĐ các xã Phước Hà, Phước Thái, Phước Vinh…với diện tích 9.900 ha. Ông Lê Minh Hiền, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang, cho biết: Việc giao rừng cho các TCĐ bảo vệ được chính quyền địa phương, người dân đồng thuận cao và thực hiện rất tốt. Nhờ đó, giúp đơn vị ngăn chặn kịp thời tình trạng đốt rừng làm rẫy, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép. Các TCĐ đã chủ động phân công lịch trực, phối hợp với UBND xã, kiểm lâm địa bàn, xây dựng phương án BVR và PCCCR. Nhờ đó, góp phần nâng cao vai trò trách nhiệm của người dân trong việc tham gia bảo vệ và phát triển rừng, thông qua quy ước, kế hoạch quản lý rừng cộng đồng, nên rừng được bảo vệ tốt, nâng cao chức năng phòng hộ. Anh Bà Râu Leng, Tổ trưởng TCĐ thôn Tân Hà, xã Phước Hà (Thuận Nam), cho biết: Từ khi nhận khoán BVR, đời sống của bà con trong thôn được cải thiện đáng kể, người dân có ý thức, trách nhiệm hơn trong công tác trồng, chăm sóc và BVR, không còn tình trạng xâm lấn rừng như trước. Mỗi tuần, tổ phân công từ 2-3 hộ thay phiên nhau đi kiểm tra từng khu vực rừng, kịp thời phát hiện các vụ vi phạm để báo ngay cho chủ rừng.
Các thành viên Tổ cộng đồng thôn Tân Hà, xã Phước Hà (Thuận Nam) phát triển chăn nuôi bò tạo sinh kế
bền vững từ rừng khoán quản.
Thực tế cho thấy, việc giao rừng khoán quản cho các TCĐ bảo vệ không những giúp các đơn vị chủ rừng giải quyết được những khó khăn trong công tác QL,BVR do thiếu hụt nguồn nhân lực, mà còn huy động được sức mạnh tập thể trong việc ngăn chặn nạn phát rừng, QL,BVR tốt hơn. Qua đó, hạn chế được tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, giảm số vụ cháy rừng, góp phần giảm thiểu tình trạng mất rừng và nâng cao chất lượng rừng, tăng độ che phủ trong toàn tỉnh.
Tạo sinh kế cho người dân từ giao rừng khoán quản
Ngoài nhiệm vụ BVR, thời gian qua, từ kinh phí hỗ trợ của các chương trình, dự án, các Ban Quản lý rừng đã tích cực vận động và hướng dẫn thành viên các TCĐ nhận BVR triển khai một số mô hình kinh tế theo hướng bền vững. Qua đó, giúp người dân có sinh kế, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập.
Ông Dương Đình Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Chi cục đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng tổ chức giao khoán cho TCĐ nhận BVR tại các địa phương theo các chương trình dự án, với diện tích 69.120 ha, mức hỗ trợ 300-400 ngàn đồng/ha/năm, với tổng kinh phí đã chi trả cho các TCĐ trên 58 tỷ đồng, góp phần cải thiện đời sống người dân. Đặc biệt, các TCĐ đã sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được chi trả, người dân đã tự trích 40% để chi phí trong công tác BVR, 60% dùng mua bò, dê, cừu. Đến nay, các TCĐ đã mua 1.224 con bò, 208 dê cừu, 62 con heo và trồng gần 2.000 cây ăn quả, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho các hộ. Các địa phương còn thực hiện mô hình trồng rừng xen kẽ với cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: bơ, bưởi, mít…với diện tích 400 ha. Ngoài ra, thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP, các đơn vị đã tạo điều kiện cho 206 hộ dân vay 9,7 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình.
TCĐ thôn Tân Hà, xã Phước Hà (Thuận Nam) nhận giao khoán bảo vệ 2.563 ha rừng phòng hộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang. Các hộ dân ở đây đã dựng lán, chòi để BVR. Với số tiền nhận bảo vệ 400 ngàn đồng/ha/năm đã giúp các hộ có khoản thu nhập ổn định. Để tạo sinh kế cho các hộ trong TCĐ theo hướng bền vững, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang đã vận động các thành viên TCĐ thôn Tân Hà trích lại 60% để mua bò phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, sau hơn 3 năm triển khai, 20 thành viên của TCĐ thôn Tân Hà mua được 48 con bò sinh sản. Anh Ma Nhớ Bé, thành viên TCĐ, cho biết: Tham gia vào tổ BVR các thành viên trong tổ đều nhận được bò để chăn nuôi dưới tán rừng. Hiện nay, toàn bộ bò của các hộ dân đều sinh trưởng tốt.
Để chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo đạt hiệu quả, huy động được nguồn lực của người dân trong việc tham gia BVR, thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chủ rừng phối hợp với các địa phương tăng diện tích giao rừng khoán quản cho các TCĐ; tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị trong việc thực hiện chính sách chi trả tiền BVR. Đồng thời, tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, đảm bảo sinh kế cho người dân.
Tiến Mạnh