Hơn 9 giờ sáng, bà Châu Thị Kim Tuyến, ở thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam đang lùa đàn cừu hơn 40 con về chuồng. Bà Châu cho biết: Tranh thủ thời gian đầu buổi sáng mát mẻ, lùa đàn cừu ra đồng. Để tìm nguồn thức ăn, nước uống, đàn cừu di chuyển xa hơn trước. Tôi chuyển 3,4 sào đất lúa thiếu nước tại cánh đồng Hòa Trinh sang trồng cỏ làm nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Tôi còn mua thêm ngũ cốt về xay mịn hòa với nước cho cừu uống để tránh bị kiệt sức do thiếu thức ăn. Đó cũng là cách mà đa phần nông dân huyện Thuận Nam đang áp dụng để ứng phó với hạn.
Nông dân Phước Nam (Thuận Nam) khoan giếng ứng phó hạn. Ảnh: Văn Nỷ
Để ứng phó với hạn, ngay từ đầu năm, ngành Nông nghiệp đã tiến hành các cuộc khảo sát, đánh giá tình hình thực tế, căn cứ vào mực nước tại các hồ, chủ động đề xuất nhiều phương án; trong đó, tạm ngưng sản xuất đối với 1.800 ha lúa và 1.000 cây rau màu các loại để tập trung nguồn nước cứu diện tích cây lâu năm và nước uống cho đàn gia súc. Trong điều kiện thiếu nước trầm trọng như hiện nay, đây được xem là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm duy trì sản xuất.
Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có gần 59 ha diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn. Nặng nề nhất là xã Phước Minh, với 31,7 ha mãng cầu, 2,25 ha cỏ voi và 0,3 ha ớt thiệt hại 100%; Nhị Hà có khoảng 10,6 ha mãng cầu, bưởi, ổi và 7 ha keo lai bị thiệt hại 100%; Phước Ninh có khoảng 3 ha cây lâu năm năm bị thiệt hại từ 70 - 100% và 1,4 ha cây hàng năm bị thiệt hại 100%; Phước Hà có 2,3 ha mít, bưởi bị thiệt hại 100%; Phước Dinh có khoảng 0,3 ha cây mãng cầu bị thiệt hại 100%. Về chăn nuôi, tuy chưa có thiệt hại, nhưng đàn gia súc, gồm: 17.910 con bò, 30.838 con dê và 36.889 con cừu đang có nguy cơ thiếu nước, thiếu thức ăn, thể trạng kém dễ dẫn đến phát sinh các loại dịch bệnh.
Bà Châu Thị Kim Tuyến, thôn Văn Lâm 4, lùa cừu về chuồng sớm để tránh nắng.
Đồng chí Khưu Lê Khắc Trí, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thuận Nam, cho biết: Giải pháp trong thời gian tới của ngành nông nghiệp huyện là tiếp tục khuyến khích nông dân nạo nét, đào mới ao chứa nước, trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn gia súc. Thực hiện di chuyển đàn gia súc đến các khu vực thuận lợi về thức ăn, nước uống. Thực hiện giám sát hướng dẫn phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm, không để dịch bệnh xảy ra. Ưu tiên lớn nhất hiện nay của ngành nông nghiệp là tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân chủ động tiêm phòng bổ sung và bắt buộc trên đàn gia súc. Bởi khi đàn gia súc thiếu nước, thiếu thức ăn, sức đề kháng giảm rất dễ bị các mầm bệnh tấn công. Công tác bảo vệ thực vật trên cây trồng cũng được thực hiện nghiêm túc, dự báo tình hình sâu bệnh hại kịp thời để có các biện pháp phòng trừ thích hợp. Tiếp tục triển khai, áp dụng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện hạn như: Mô hình tưới nước tiết kiệm, mô hình xen canh, luân canh có hiệu quả.
Ngành Nông nghiệp huyện cũng xây dựng lịch điều tiết nước thực hiện 2 đợt/ tháng, tập trung ở các hồ như: Sông Biêu điều tiết theo kênh Bắc, hồ Suối Lớn, Bàu Ngứ, Núi Một, CK7 phục vụ sản xuất, chăn nuôi, sinh hoạt, cây lâu năm. Trước mắt, tập trung chỉ đạo ưu tiên nước cho chăn nuôi, nước tưới cho cây trồng lâu năm và cho vùng chuyển đổi cây đậu xanh trên đất lúa. Tập trung rà soát, triển khai chuyển đổi cây trồng cạn tại các vùng có nước tưới. Đề xuất hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất khi có mưa, hỗ trợ nhiên liệu bơm nước tại một số hồ, đập tưới cho khoảng 200 ha cây lâu năm tại các xã Nhị Hà, Phước Nam và Phước Ninh; hỗ trợ vắc-xin phòng bệnh cũng như thuốc trợ lực cho đàn gia súc...
Ngọc Diệp