* Phóng viên: Đồng chí cho biết tình hình DTLCP ở các tỉnh hiện nay và khả năng tái phát, lây lan tại tỉnh ta?
- Đồng chí Trương Khắc Trí: Từ tháng 2-2019 đến nay, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống DTLCP đạt nhiều kết quả nhất định, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi; cả nước có trên 99% số xã có bệnh DTLCP đã qua 30 ngày và các địa phương đã có văn bản công bố, thông báo hết dịch. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, DTLCP có xu hướng tái phát trở lại tại nhiều tỉnh đã công bố hết dịch như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Nam… Ở tỉnh ta, đã công bố hết DTLCP từ ngày 9-1-2020 trên địa bàn các huyện xảy ra dịch. Mặc dù DTLCP đang được kiểm soát tốt, không tái phát, xảy ra ổ dịch nào, tuy nhiên hiện nay trong điều kiện thời tiết khô hạn, nguồn nước sử dụng cho chăn nuôi đang gặp khó khăn; đặc biệt, nhiều địa phương đang triển khai kế hoạch tái đàn sau đợt dịch, việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn còn hạn chế, nhất là đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ, do đó khả năng tái phát và lây lan dịch trong thời gian tới là rất cao.
* Phóng viên: Trước tình hình trên, đồng chí cho biết Chi cục đã triển khai những biện pháp nào để phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh?
- Đồng chí Trương Khắc Trí: Nhằm chủ động phòng, chống DTLCP tái phát và lây lan đạt hiệu quả cao, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản số 1308/SNNPTNT-CNTY, ngày 12-5-2020 đề nghị các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố không chủ quan lơ là, tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về phòng, chống DTLCP. Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến các hộ chăn nuôi nắm bắt thông tin về mức độ nguy hiểm của dịch, có biện pháp phòng ngừa hiệu quả; tổ chức tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng đồng loạt bằng vôi bột, hóa chất tại nơi đã từng xuất hiện ổ dịch, khu vực có mật độ chăn nuôi cao, các chợ và cơ sở buôn bán, giết mổ gia súc. Chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y ở các huyện, thành phố phối hợp UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường giám sát lâm sàng, phát hiện sớm các ổ DTLCP tái phát để xử lý kịp thời, không để dịch lây lan ra diện rộng.
Bên cạnh đó, phân công cán bộ trực 24/24 giờ tại Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông tại huyện Thuận Bắc, các Chốt Kiểm dịch tạm thời, tiến hành tiêu độc bổ sung tất cả các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông qua địa bàn tỉnh; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kiểm dịch vận chuyển theo quy định hiện hành.
* Phóng viên: Nhằm hạn chế đến mức tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi lợn trong tỉnh, đồng chí có khuyến cáo gì với bà con?
- Đồng chí Trương Khắc Trí: Hiện nay, DTLCP chưa có thuốc điều trị, vì vậy các hộ chăn nuôi nên chú trọng phòng dịch là chính, cần áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng chuồng trại, tổ chức tiêm phòng đầy đủ. Đối với việc tái đàn, cần xác định rõ nguồn giống nhập ở khu vực nào và phải đảm bảo khỏe mạnh, không nhiễm bệnh; khuyến khích chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang nuôi tập trung, tráng tình trạng nuôi thả rong. Đồng thời, khi phát hiện lợn có dấu hiệu mắc bệnh, chết không rõ nguyên nhân, người dân không được tự ý giết mổ, vứt xác ra môi trường mà phải báo ngay cho cơ quan chức năng để tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng ngay các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo, kịp thời.
* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Hồng Lâm (thực hiện)