Chỉ đạo sâu sát
Trước diễn biến hạn có nguy cơ diễn ra trên diện rộng và ngày càng khốc liệt, ngay sau tết Nguyên đán - 2020, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức họp đánh giá tình hình, về cơ sở kiểm tra, chỉ đạo tiếp tục triển khai công tác ứng phó hạn trên địa bàn tỉnh sát với thực tế ở từng địa phương, khu vực. Trọng tâm là giải quyết các khó khăn, vướng mắc để tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, phát huy công năng công trình tuyến đường ống kênh chính Tân Mỹ và các kênh nhánh, công trình Đập hạ lưu sông Dinh kịp thời ngăn mặn giữ ngọt cho các vùng ven sông, xây dựng Kế hoạch điều tiết nguồn nước của tất cả các hồ chứa nước và Hệ thống các công trình cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân.
Dự án đập hạ lưu sông Dinh sắp hoàn thành để chống hạn. Ảnh: Thành Đạt
Ngoài sự hỗ trợ của Trung ương 450 tấn lúa giống, 46 tấn bắp giống, 8 tấn hạt rau giống vào ngày 24-4, tỉnh đã chủ động phân bổ 37 tỷ đồng từ nguồn kết dư ngân sách tỉnh năm 2018 để đầu tư xây dựng các công trình cấp bách và các công việc liên quan phục vụ chống hạn. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn với tinh thần khẩn trương, ưu tiên cho công việc cấp bách như: Hỗ trợ vận chuyển nước sinh hoạt, kết nối liên thông các hệ thống cấp nước sinh hoạt để phục vụ dân sinh; hỗ trợ kinh phí nạo vét kênh mương, đào ao, hồ để cung cấp nguồn nước uống cho gia súc. Đến giữa tháng 5, trước tình hình nắng hạn khốc liệt, UBND tỉnh công bố cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Thuận cấp độ 3 để thông tin, nâng cao nhận thức, huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và Nhân dân tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ trong công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do hạn hán ở cấp độ cao hơn, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Kết quả đạt được
Nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành và toàn thể Nhân dân trên địa bàn tỉnh, công tác ứng phó với hạn đạt được nhiều kết quả. Về nước sinh hoạt, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đã phối hợp với Công ty Cổ phần Cấp nước tỉnh cung cấp nước thô cho Nhà máy nước Phan Rang-Tháp Chàm đảm bảo phục vụ nước sinh hoạt ổn định cho 61.768 hộ/285.789 khẩu; trong đó, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm 46.832 hộ/211.109 khẩu, huyện Ninh Hải 14.936 hộ/74.680 khẩu. 40 hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trên địa bàn toàn tỉnh do ngành Nông nghiệp tỉnh quản lý cơ bản ổn định, cấp cho 75.000 hộ/356.985 khẩu ở vùng nông thôn.
Từ đầu tháng 5 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 180hộ/703 khẩu khó khăn về nước sinh hoạt đã được chính quyền địa phương, lực lượng quân đội,... chở nước cung cấp đảm bảo đầy đủ, kịp thời, không để Nhân dân thiếu nước. Cụ thể, thôn Bình Tiên, xã Công Hải (Thuận Bắc) 71hộ/256 khẩu, trung bình 25 m3 /ngày đêm; thôn Tà Nôi, xã Ma Nới (Ninh Sơn) 180hộ/703 khẩu, trung bình 10 m3/ngày. Ngoài ra, trong 2 ngày 17 và 18-5, Trung đoàn Không quân 937 chở nước cấp cho 679 hộ/2.845 khẩu tại các thôn thuộc xã Phước Trung với số lượng nước 40m3. Riêng nước uống cho chăn nuôi và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, đến nay tình hình cơ bản ổn định.
Nhờ chủ động khoan giếng chống hạn, 2,5 sào ớt và đậu phộng của gia đình chị Phạm Thị Cúc, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) phát triển tốt. Ảnh: Hồng Lâm
Bên cạnh thực hiện các giải pháp trước mắt, tỉnh đã đề ra giải pháp lâu dài đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt bền vững, đó là: Đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ các công trình cấp bách phục vụ chống hạn. Đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thuỷ lợi 7 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện hoàn thành công tác lấy nước từ hồ thấm kênh chính Tân Mỹ để tiếp nước vào hồ Thành Sơn. Từ ngày 10-3, đã thực hiện điều tiết nguồn nước từ hồ Thành Sơn về cửa xả Phước Nhơn vào kênh Bắc hơn 45.000 m3 nước ngày đêm để bổ sung nguồn nước cho vùng cuối kênh Bắc phục vụ chống hạn; đồng thời, cấp nước cho chăn nuôi ở các xã Xuân Hải (Ninh Hải), Phước Trung (Bác Ái) và nước sản xuất cho 38,6 ha cây trồng. Thực hiện hoàn thành xây lắp đường ống tạm thời lấy nước từ tuyến kênh ống Tân Mỹ (TM10) xả nước về suối Sa Ra (đập số 2 trên suối Sa Ra) phục vụ công tác chống hạn cho vùng cuối khu tưới hồ Phước Trung khoảng 150 ha cây đậu xanh, thuốc lá, mía và phục vụ nước uống cho gia súc. Điều tiết nước kênh Tây về suối Sông Dầu phục vụ Hệ thống cấp nước sinh hoạt Hoà Sơn (Ninh Sơn) để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho hơn 864 hộ và các thành phần kinh tế khác tại địa phương. Chỉ đạo tổ chức vận hành công trình Đập hạ lưu sông Dinh để ngăn mặn, đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Có thể nói, cho đến nay, công tác ứng phó với hạn đã đạt được mục tiêu “Không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh; quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chăm sóc, bảo vệ và hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi”. Thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Tăng cường thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về diễn biến tình hình hạn hán và tác động của biến đổi khí hậu; các chủ trương, giải pháp của tỉnh trong công tác ứng phó hạn để nhận thức đúng, đầy đủ, nhằm tạo sự đồng thuận và tham gia tích cực của Nhân dân trong sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tối đa nguồn nước. Nghiên cứu, có các phương án kết nối, liên thông các hệ thống thủy lợi để tiếp nước cho các vùng, khu vực có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình ứng phó hạn, đặc biệt các công trình cấp nước nông thôn.
Anh Tùng