Nông dân trên toàn tỉnh vừa thu hoạch xong cây trồng vụ động - xuân 2019-2020, đang khẩn trương làm đất xuống giống vụ hè - thu. Theo đánh giá của ngành chức năng, sản xuất vụ đông - xuân diễn ra trong điều kiện thời tiết nắng hạn, nhưng nhờ ngành chức năng, các địa phương chủ động đề ra các giải pháp ứng phó với hạn nên đạt được nhiều kết quả. Nổi lên là hoạt động liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đối với một số cây trồng ngày càng chặt chẽ và mở rộng hơn, đã giúp nông dân an tâm sản xuất, mang lại thu nhập cao.
Nông dân xã Hộ Hải (Ninh Hải) thu hoạch lúa. Ảnh: Văn Miên
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong vụ đông - xuân 2019-2020 nông dân trên toàn tỉnh thông qua hợp tác xã (HTX) đã thực hiện 28 chuỗi liên kết sản xuất các loại cây trồng chủ lực, với tổng diện tích gần 11.294 ha; trong đó, mía và khoai mỳ 7.531 ha, số diện tích còn lại là cây lương thực, cây ăn quả, cây lấy hạt, rau. Đối với cây lúa, có 5.506 hộ thực hiện 15 liên kết, với quy mô hơn 2.224 ha. Nhờ áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào cánh đồng lớn, nên cây lúa sinh trưởng tốt, năng suất bình quân đạt 7,1 tấn/ha. Toàn bộ sản lượng 15.796 tấn thóc được doanh nghiệp (nhà máy xay xát Kim Tuyến, Nhà máy xay xát Hưng Hào, Nhà máy xay xát Thuận Phương, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam) thu mua với giá cao hơn ngoài thị trường cùng thời điểm 50-100 đồng/kg, lợi nhuận tăng từ 25-35% so với sản xuất đại trà.
So với các mùa vụ trước, hoạt động liên kết sản xuất ở vụ này quy mô lớn hơn, chứng minh mô hình đang ngày càng được nhân rộng. Nếu như vụ đông - xuân 2018-2019 chỉ có 1 liên kết sản xuất bắp giống, thì đến vụ này nhân lên 4 liên kết, quy mô 280 ha, với 319 hộ tham gia. Năng suất, lợi nhuận tăng gấp 2 lần so với sản xuất đại trà, tạo niềm vui phấn khởi cho các hộ an tâm tiếp tục mở rộng hoạt động liên kết sản xuất trong các vụ tới. Cụ thể, năng suất bắp bình quân 7,3 tấn/ha, tổng sản lượng 2.044 tấn, lợi nhuận đạt 35,9 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất bắp đại trà 20 triệu đồng/ha.
Nông dân huyện Ninh Phước liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa vụ đông - xuân 2019-2020 cho thu nhập cao.
Điểm mới đáng quan tâm là, hoạt động liên kết trong vụ đông - xuân vừa qua phát triển mạnh ở những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình trồng măng tây xanh do HTX Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú (An Hải,) và HTX Dịch vụ nông nghiệp Châu Rế (Phước Hải, Ninh Phước) liên kết sản xuất với Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến có 28 ha cho thu hoạch, năng suất bình quân 7,3 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt 204,4 tấn. Mặc dù bị ảnh hưởng dịch COVIP-19 sản phẩm măng tây xanh tạm ngưng xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp vẫn bao tiêu với giá ổn định (50.000 đồng/kg) như trong hợp đồng cam kết. Cùng với đó, các liên kết chuỗi giá trị nho, hạt điều… cũng đem lại kết quả hơn cả mong đợi. Đơn cử, nông dân huyện Thuận Bắc và Bác Ái liên kết với HTX Điều hữu cơ Truecoop sản xuất điều hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và USDA với tổng diện tích hơn 1.155 ha, tổng sản lượng doanh nghiệp thu mua đạt 1.672 tấn, giá 42.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường tại thời điểm 2.000 đồng/kg.
Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Sở dĩ các mặt hàng nông sản được doanh nghiệp mua với giá cao là nhờ mô hình liên kết áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nên sản phẩm có chất lượng cao hơn so với các mặt hàng cùng loại sản xuất thông thường. Qua thực tế sản xuất cho thấy, trong điều kiện quỹ đất nông nghiệp không thể mở rộng, giải pháp nâng cao thu nhập cho nông dân là thực hiện các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Với tinh thần đó, vụ hè – thu 2020 sẽ thực hiện thêm 5 liên kết ở 5 cánh đồng lớn triển khai mới, gồm: 2 liên kết trồng lúa diện tích 150 ha, 1 liên kết trồng hành tím 30 ha, 1 liên kết trồng măng tây xanh 5 ha, 1 liên kết trồng bắp 50 ha.
Anh Tùng