Được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) từ năm 2015, sau một nhiệm kỳ nỗ lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Bắc Phong tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện.
Bắc Phong có tổng dân số gần 6.000 người, sinh sống ở 3 thôn: Ba Tháp, Gò Sạn và Mỹ Nhơn. Bắc Phong có diện tích tự nhiên 2.233,88 ha, trong đó có 1.260,1 ha đất sản xuất nông nghiệp bao gồm 420 ha ruộng lúa và 74 ha đất trồng cây ăn trái, hoa màu các loại (đậu, bắp, rau.....), phần còn lại là nương rẫy xa. Để tạo bứt phá trong sản xuất nông nghiệp, Bắc Phong chủ trương chuyển dịch dần cơ cấu cây trồng, giúp nông dân nhanh chóng tiếp cận khoa học kỹ thuật (KHKT), nâng cao hiệu quả kinh tế trong trồng trọt, chăn nuôi, trong đó chú ý ứng dụng giống cây trồng mới thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.
Nuôi bò sinh sản theo chương trình Sind hóa đàn bò của nông dân xã Bắc Phong.
Theo đó, trong năm 2017 và 2018, được xã hỗ trợ kinh phí 177,7 triệu đồng, nhân dân đã chuyển đổi diện tích 176 ha cây trồng tại vùng Trạm bơm thôn Mỹ Nhơn và lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Ngoài ra, trong 5 năm qua tận dụng tối đa nguồn nước từ hệ thống thủy lợi kênh Bắc, trạm bơm Mỹ Nhơn và hồ Sông Trâu, một số mô hình áp dụng KHKT vào sản xuất của nông dân đã mang lại hiệu quả kinh tế nhất định, đơn cử như mô hình nhân lúa giống tại Gò Sạn và Mỹ Nhơn với diện tích 30 ha, đã cung cấp giống lúa mới cho toàn xã.
Đáng chú ý là từ kinh nghiệm ứng phó với hạn, hằng năm Bắc Phong chủ động tổ chức vận động nhân dân các vùng đất trồng lúa kém hiệu quả, thiếu nước tưới chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày có giá trị kinh tế, năng suất tương đối ổn định. Cụ thể đã chuyển diện tích 35 ha sang trồng ớt, các loại rau và chuyển diện tích 17 ha sang trồng các cây thuốc, ăn trái như: xáo tam phân, xoài, ổi, mãng cầu….Tìm hiểu tại thôn Mỹ Nhơn, chúng tôi được biết đã có 8 hộ nông dân áp dụng mô hình sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm: ứng dụng máy xạ hàng trên ruộng lúa” với diện tích 3 ha. Toàn xã đã có 4,5 ha đất canh tác áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm, tập trung nhất vẫn là ở vùng gò Trạm bơm thôn Mỹ Nhơn. Anh Võ Mạnh Thanh, nông dân trong vùng, chia sẻ: “Nhờ lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm nước, tôi trồng được 2,5 sào măng tây xanh, từ cây trồng này thu nhập bình quân của gia đình đạt từ 12 triệu đồng/tháng trở lên”. Trong chăn nuôi, Bắc Phong phát triển khá ổn định đàn gia súc có sừng, đến nay tổng đàn có 2.800 con bò, 305 con dê, 1.972 con cừu; riêng bò đã triển khai chương trình sind hóa đàn bò theo hướng giảm số lượng, nhưng tăng chất lượng. Trong năm 2018 và 2019, từ nguồn vốn đa dạng hóa sinh kế của trên, có 20 hộ dân được hỗ trợ 400 triệu đồng mua 40 con bò sinh sản, hiện đang tăng đàn dần.
Đồng chí Trần Bá Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Bắc Phong cho biết: “Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, trong những năm qua Bắc Phong đã tập trung giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn, duy trì các tiêu chí chủ yếu đạt được trong xây dựng nông thôn mới (NTM)”. Nhờ phát triển sản xuất nông nghiệp, kết hợp với việc tổ chức các lớp đào tạo nghề, đến nay thu nhập bình quân của người dân đạt 33 triệu đồng/người/năm (đạt tiêu chí), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 8,2% xuống còn 4,2% trong năm nay (yêu cầu tiêu chí là dưới 5%). Bộ mặt nông thôn được đổi khác, trong giai đoạn 2016-2020 thực hiện xây dựng NTM theo chuẩn mới, qua thẩm định cuối năm 2019 của cơ quan chức năng, Bắc Phong được đánh giá đạt 19/19 tiêu chí.
Theo đồng chí Trần Bá Hòa, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ và Nhân dân xã Bắc Phong quyết tâm duy trì xã đạt chuẩn NTM. Để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn này, Đảng ủy xã tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, tập trung lãnh đạo khơi bật những tiềm năng, lợi thế của địa phương. Xác định cơ cấu kinh tế đến năm 2025 vẫn là “nông nghiệp – công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ”, Bắc Phong ưu tiên đầu tư và khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nhanh và bền vững, tập trung triển khai đạt hiệu quả cao nhất trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn. Theo đó, Bắc Phong tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, sử dụng tiết kiệm nước; thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, ứng dụng các thành tựu về tiến bộ khoa học – công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; mở rộng diện tích sản xuất giống, các cây trồng có tiềm năng, lợi thế của địa phương và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả.
Bạch Thương