Kết quả, qua nhiều năm triển khai thực hiện đến nay Viện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu, thuần hóa, lai tạo giữa các đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế để tạo ra giống mới có năng suất cao. Viện đã chuyển giao thành công nhiều giống cây trồng với khả năng thích ứng với khí hậu của vùng đất nắng và gió Ninh Thuận như: Nho, táo, măng tây xanh, lúa, bắp và các cỏ chăn nuôi. Về giống táo, bước đầu Viện đã xác định giống táo TN05 có triển vọng, tiếp tục chuyển giao và nhân rộng. Măng tây xanh, đến thời điểm hiện tại đang triển khai đánh giá 2 bộ giống; trong đó, bộ 1 có 12 giống, bộ 2 có 14 giống, qua đánh giá kết quả bước đầu cho thấy giống Articus F1 và Atlas F1 có triển vọng nhất. Viện cũng đã xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh măng tây xanh tại vùng Nam Trung Bộ, trong đó đã xác định biện pháp kỹ thuật tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân chuyên dụng, các loại phân bón nano phù hợp cho cây măng tây xanh. Ngoài ra, Viện cũng đã xây dựng và hoàn thiện quy trình nhân giống măng tây xanh bằng hạt ứng dụng công nghệ cao, trong đó đã sản xuất khoảng 100.000 cây giống/năm để triển khai mô hình sản xuất thử nghiệm và chuyển giao cho nông dân với chất lượng cây giống tốt.
Cán bộ Viện Nghiên cứu cây bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố tập trung đầu tư cho nghiên cứu giống cây trồng có chất lượng, thích nghi với điều kiện khí hậu nắng nóng của tỉnh ta. Ảnh: V.M
Riêng về cây nho, Viện đã nghiên cứu và chuyển giao thành công nhiều giống nho ăn tươi và giống nho làm rượu. Trong đó, nổi bật là việc nghiên cứu thực nghiệm và chuyển giao giống nho mới năng suất cao NH01-152 đến với người dân với nhiều đặc tính nổi trội như khối lượng quả lớn, năng suất và chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá trị kinh tế cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Về giống nho để sản xuất rượu vang, Viện cũng đã chọn lọc được giống NH02-97, NH02-137. Hiện tại, Viện đang xây dựng và hoàn thiện quy trình sản xuất nho ứng dụng công nghệ cao; trong đó, tập trung vào các yếu tố kỹ thuật như: trồng cây trong nhà màng có mái che mưa, sử dụng lưới cắt nắng, lưới chắn côn trùng chuyên dụng, giàn chữ y, các hệ thống điều khiển tự động và bán tự động về tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh.
Song song với việc nghiên cứu, lai tạo giống mới, Viện cũng đã tiến hành thực nghiệm để tìm ra các giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu như: Bắp lai LVN10, LVN14, HN68, nếp lai số 9 để cung ứng hạt giống cho sản xuất với sản lượng hàng năm từ 200 - 300 tấn và chất lượng hạt giống tốt. Ngoài ra, Viện cũng đã chủ động đề xuất vối các bộ, ngành chức năng triển khai chương trình nghiên cứu nhóm cây làm thức ăn gia súc và công nghệ chế biến, bảo quản để đảm bảo nguồn thức ăn cho hoạt động chăn nuôi.
Trong thời gian tới, Viện sẽ tiến hành chuyển giao một số giống cây trồng mới đang tiến hành thực nghiệm như giống chuối GL3-1, giống mít Thái siêu sớm và mít viên lin, giống ổi lê Đài Loan và ổi nữ hoàng.
Thanh Thịnh