“Những bài viết Lời tri ân của các em là những dòng cảm xúc rất thật. Tôi đã cảm động rơi lệ khi đọc và cảm nhận những kỷ niệm, những lời tâm sự được viết ra từ trái tim các em …”. Đó là lời nhận xét của cô Nguyễn Hồng Liên, Phó hiệu trưởng, Trưởng ban biên tập “Lời tri ân” của Trường THPT Chu Văn An. Và đây cũng là cảm nhận chung của nhiều thầy, cô giáo khi đọc bài tri ân của học trò.
Những khoảnh khắc của học sinh lớp 12 Văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
“Lời tri ân” là chương trình do Sở Giáo dục và Đào tạo phát động, nhằm tăng cường công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên. Chương trình thật sự có ý nghĩa sâu sắc và đã nhanh chóng được học sinh khối 12 trong toàn tỉnh hưởng ứng. Ở trường THPT Chu Văn An, sau hơn 3 tháng phát động, đã thu được hơn 700 bài dự thi, trong đó có nhiều em dự thi đến 2-3 bài viết. Ban biên tập đã chấm và lựa chọn được 45 bài viết xuất sắc nhất in thành tập san của trường. Với chủ đề yêu cầu: “Thể hiện cảm xúc của mình về thầy cô, bạn bè, ông bà, cha mẹ… hoặc người mà mình ấn tượng sâu sắc nhất…”, hàng trăm bài dự thi với đủ thể loại: văn, thơ, truyện ngắn,…đã bộc bạch những cảm xúc chân thật của mình, thậm chí có những bài dự thi được viết ra như chính những trang nhật ký. Em Bùi Ngô Mai Ngân, học sinh lớp 12B1 cho biết: “Hằng ngày, để nói ra những lời yêu thương, cảm ơn hay xin lỗi một ai đó thật khó. Lời tri ân chính là cơ hội để chúng em được thể hiện tình cảm của mình với gia đình, thầy cô…trong suốt 12 năm học của mình. Bài dự thi của em chính là những trang nhật ký em viết về người mẹ đã mất khi em 10 tuổi. Em chưa bao giờ được kể về mẹ, được nói đến mẹ với một cảm xúc thật như thế”.
Quê hương, gia đình có lẽ là những điều thiêng liêng, gắn bó nhất với tuổi thơ của mỗi người. Trong số những học sinh lớp 12 của Ninh Thuận hôm nay, có không ít em theo cha mẹ từ các vùng quê khác đến lập nghiệp. Có em sinh ra và lớn lên ở những vùng quê nghèo…và trang viết của các em là những cảm nhận, là nỗi niềm về quê cũ, về tình thương bao la của ông bà, cha mẹ, là những ghi nhận sâu sắc về bạn bè, thầy cô….Em Phan Quang Duy, học sinh 12A2, Trường THPT Chu Văn An đã làm người đọc phải rơi nước mắt khi kể những kỷ niệm về ông: “Ngày ra đi, tôi đã khóc rất nhiều, bố mẹ dỗ thế nào cũng không nín. Trước khi đi, ông dẫn tôi ra vườn xem hàng cau ông mới trồng. Ông bảo khi nào tôi lớn lên, tới tuổi lập gia đình, ông sẽ hái cau này làm lễ ăn hỏi cho tôi... Hàng cau đã lớn, kết trái thành từng chùm chín đỏ, như chính tình thương của ông dành cho tôi vẫn rực cháy như ngày nào. Tất cả vẫn còn nhưng giờ ông ở đâu ... Ông ơi!”.
Mỗi bài viết, mỗi cách thể hiện là mỗi dòng cảm xúc về những người thân yêu, gắn bó với các em trong suốt 12 năm học. Bên cạnh đó còn là những nỗi niềm gửi gắm. Em Triệu Mỹ Ngọc, học sinh lớp 12 Văn, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tâm sự: “Trong quãng đời học sinh của mình có rất nhiều kỷ niệm, nhiều điều đáng nhớ và tuổi học trò ngây thơ cũng không thể tránh khỏi những lỗi lầm. Có những lỗi lầm không dễ dàng nói ra câu xin lỗi…Lời tri ân là cơ hội để em bày tỏ và cũng như một lời hứa hẹn của chúng em với thầy cô, gia đình ”.
Tốt nghiệp THPT không chỉ là bước trưởng thành đáng nhớ trong cuộc đời, không chỉ phải xa thầy cô, bè bạn mà còn phải xa gia đình, người thân để bắt đầu một chặng đường mới. Chính vì vậy, “lời tri ân” thật sự là những dòng lắng đọng sâu sắc của các em, là cơ hội để các em thêm yêu quý và trân trọng những gì mình đã và đang có. Rất nhiều thầy cô giáo THPT đã cùng có chung một nhận xét rằng: “Tôi hiểu học sinh mình hơn, thấy yêu các em hơn và cũng tự hào về nghề dạy học hơn khi đọc bài viết tri ân của các em”. Có thể, các em không chỉ viết về thầy cô, nhưng nỗi niềm, tâm sự, cảm nhận thật của các em, sự trưởng thành, hứa hẹn của các em là niềm hạnh phúc với những người đứng trên bục giảng.
Bích Thủy