- Bám sát tài liệu chuẩn kiến thức trong chương trình học, tránh ôn lan man, không đúng trọng tâm. Ví dụ: Bài 4 và bài 5 trong sách giáo khoa (Lịch sử hình thành và phát triển lãnh thổ), nội dung rất dài nhưng nếu theo tài liệu chuẩn kiến thức, chỉ cần nắm được 3 giai đoạn phát triển của tự nhiên nước ta:
(1) Giai đoạn tiền Cambri hình thành nền móng ban đầu của lãnh thổ với đặc điểm là giai đoạn cổ nhất và kéo dài nhất trong lịch sử phát triển lãnh thổ; chỉ diễn ra trên phạm vi hẹp của lãnh thổ; các điều kiện cổ địa lý còn rất sơ khai.
(2) Giai đoạn cổ kiến tạo tạo địa hình cơ bản, có tính chất quyết định đến lịch sử phát triển của tự nhiên với các đặc điểm: Diễn ra trong thời gian khá dài - 477 triệu năm; trải qua hai đại cổ sinh và trung sinh; có nhiều biến động mạnh mẽ nhất; lớp vỏ cảnh quan địa lý đã rất phát triển.
(3) Giai đoạn tân kiến tạo là giai đoạn cuối cùng với 3 đặc điểm: Diễn ra ngắn nhất; chịu sự tác động của vận động tạo núi Alpes – Himalaya và những biến đổi khí hậu có quy mô toàn cầu; tiếp tục hoàn thiện các điều kiện tự nhiên.
- Sơ đồ hóa kiến thức của từng bài, từng chương nhằm dễ dàng hệ thống hóa kiến thức, nắm được trọng tâm nội dung của từng bài và dễ nhớ. Ví dụ, với địa lý các vùng kinh tế, chỉ cần sơ đồ hóa kiến thức theo các bước: Xác định vị trí địa lý của vùng, quy mô (lãnh thổ, dân số), nguồn lực phát triển (tài nguyên thiên nhiên, dân cư và lao động, cơ sở vật chất kỹ thuật và cơ sở hạ tầng, đường lối chính sách phát triển); các ngành kinh tế chủ yếu trong vùng (thế mạnh của vùng); hướng chuyên môn hóa và các sản phẩm hàng hóa.
- Khai thác hiệu quả Atlat vì đây là nguồn cung cấp kiến thức, thông tin tổng hợp và có hệ thống giúp học sinh trả lời phần lớn các câu hỏi kiểm tra về địa lý; kết hợp với việc tái hiện kiến thức bằng hệ thống các bài tập, bài tự kiểm tra sẽ giúp nâng cao hiệu quả của việc ôn tập và nắm chắc, vững kiến thức.
- Rèn luyện các kỹ năng về biểu đồ (cột, tròn, kết hợp cột và đường...). Đề của các kỳ thi tốt nghiệp thường yêu cầu thể hiện các dạng biểu đồ trên. Đây cũng là câu kỹ năng, thường chiếm 2 điểm.
(Nguồn: NLĐ Online)