Xã Công Hải, huyện Thuận Bắc có 7 thôn, với dân số trên 7.160 người, trong đó 70% là người dân tộc thiểu số. Nhân dân trong xã sống chủ yếu dưa vào nương rẫy, lệ thuộc vào nước trời. Do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên phần lớn người dân ít quan tâm đến việc học hành của con em. Mặt khác, đồng bào thường sinh sống ở nương rẫy khoảng cách đến trường quá xa từ 3 - 5 km đường đi bộ nên học sinh thường bỏ học giữa chừng… Đây là những trở ngại cho công tác phổ cập giáo dục (PCGD).
Cùng trao đổi bài. Ảnh: Sơn Ngọc (minh họa.)
Thực hiện nhiệm vụ PCGD tiểu học và phổ cập đúng độ tuổi, cấp uỷ, chính quyền và các ban, ngành xã đã có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó xác định khâu quan trọng là làm chuyển biến nhận thức của nhân dân nhất là bà con dân tộc Ra glai về việc học hành của con em. Theo đó, ngay từ bước khảo sát điều tra, xã đã chỉ đạo nắm chắc số lượng trẻ trong độ tuổi ra lớp, số người trong độ tuổi phổ cập không biết chữ ở từng gia đình, từng thôn và có kế hoạch phân công thành viên Ban chỉ đạo PCGD tiểu học và phổ cập đúng độ tuổi của xã, phân công các ban ngành, đoàn thể xã, các thầy, cô giáo ở Trường TH Công Hải, Trường TH Suối Giếng đến từng hộ gia đình để tuyên truyền cho bà con ý nghĩa việc học hành, vận động đưa con em trong độ tuổi phổ cập đến trường. Đối với nhà trường, thường xuyên kiểm tra sĩ số học sinh đến lớp hàng ngày và hàng tuần, báo cho từng thôn biết đối tượng học sinh nghỉ học nhiều ngày để có biện pháp vận động đi học lại. Đối với gia đình có hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hội Khuyến học xã kịp thời hỗ trợ mua sách vở, bút, cặp…với mức 50 ngàn đồng/em; riêng năm 2010 hỗ trợ cho 60 em, với số tiền 3 triệu đồng. Các thầy, cô giáo ở các trường mẫu giáo, tiểu học còn thay nhau đến tận nhà chở các em có hoàn cảnh khó khăn đi học. Việc làm này đã trở thành phong trào thi đua trong giáo viên của xã và toàn ngành giáo dục Thuận Bắc. Việc giáo dục, dạy dỗ các em người dân tộc thiểu số được các thầy cô hết sức quan tâm, tìm các biện pháp thích hợp như: Chú trọng duy trì sự chuyên cần đi học của học sinh, dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ngay từ mẫu giáo, phụ đạo bồi dưỡng học sinh yếu theo phương châm “Vừa dạy, vừa dỗ”… Ngoài ra, xã còn vận động chùa Long Cát mở 7 lớp phổ cập cho 150 em ở địa phương đến học.
Sau 10 năm, với sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành địa phương, sự yêu thương tận tình dạy dỗ của các thầy cô giáo, xã Công Hải đã hoàn thành công tác PCGD tiểu học và phổ cập đúng độ tuổi. Kết quả, về PCGD tiểu học: Số trẻ từ 6 - 11 đã học xong tiểu học, đạt 99,7%; số trẻ từ 12 - 14 tuổi đã được phổ cập là 265 em/267 em, đạt tỷ lệ 99,2%; số trẻ từ 14 tuổi đã hoàn thành chương trình cấp tiểu học, đạt 98%; số trẻ từ 11 - 14 tuổi đã hoàn thành chương trình cấp tiểu học, đạt tỷ lệ 94%. Ngoài ra trong công tác chống mù chữ, đến nay đã thực hiện xoá mù đạt 98%.
Với những kết quả đã đạt được như đã nêu trên, xã Công Hải đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích PCGD tiểu học và phổ cập đúng độ tuổi giai đoạn 2001 - 2010.
Minh Thư