Ngành Quan hệ lao động
Thí sinh sẽ thi đầu vào theo khối A và D1. Ngành học trang bị kiến thức, kỹ năng xử lý mối quan hệ lao động trong đơn vị và ngoài xã hội; quan hệ xã hội, quan hệ quần chúng; kỹ năng tổ chức lực lượng quần chúng lao động; phương pháp phân tích, đánh giá và ra quyết định liên quan trong ứng xử với người lao động và đoàn thể. Năm 2010 điểm chuẩn ngành này bằng với điểm sàn.
Cử nhân Quan hệ lao động có thể làm việc trong tất cả loại hình doanh nghiệp với sứ mạng bảo vệ quyền lợi nhân viên, tạo môi trường làm việc tích cực, điều hành nhân sự trong doanh nghiệp hoặc chuyên viên quan hệ công chúng, chuyên viên giải quyết tranh chấp lao động, cán bộ công đoàn, cán bộ nhân sự, chuyên viên nghiên cứu về lao động và công đoàn. Ngoài ra cử nhân quan hệ lao động có thể học lên cao học để tham gia giảng dạy.
Vị trí công tác cụ thể: Giám đốc nhân sự hay trưởng phòng tổ chức cán bộ; Trưởng phòng quan hệ công chúng; Chủ tịch công đoàn, ủy viên ban chấp hành công đoàn, cán bộ công đoàn chuyên trách, trưởng ban chuyên đề trong các hoạt động công đoàn; chuyên viên nghiên cứu về lao động và công đoàn cho các viện, trường đại học và các trung tâm đào tạo và giới thiệu việc làm; chuyên viên tư vấn, nghiên cứu cho các dự án về lao động, xã hội, về công đoàn, về quan hệ công chúng; chuyên viên thương lượng và xử lý các bất đồng xã hội tại các bộ phận cần công tác này.
Ngành hệ thống thông tin kinh tế
Điểm chuẩn ngành này năm 2010 không quá cao và khá chênh lệch tùy từng trường đào tạo. Đây là ngành khá mới mẻ và thu hút được khá nhiều thí sinh.
Ngành Hệ thống thông tin Kinh tế gồm những chuyên ngành: Tin học Kinh tế, Hệ thống thông tin Quản lý.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các ngân hàng thương mại; các công ty, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước; tổng cục Thuế và các cục thuế; các trường đại học và viện nghiên cứu; các công ty tin học; các tổ chức hành chính sự nghiệp. Làm lập trình viên máy tính; quản trị viên mạng máy tính; chuyên gia phân tích, thiết kế, cài đặt và bảo trì các hệ thống thông tin trong các tổ chức kinh tế và xã hội; chuyên gia phát triển và đảm bảo chất lượng phần mềm ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Làm giảng viên các trường đại học khối kinh tế và quản trị kinh doanh; cán bộ các trung tâm Công nghệ thông tin của các tổ chức kinh tế và xã hội. Hoặc, có thể học tập ở các bậc đào tạo cao hơn.
Nguyễn Anh Linh