Ông Nguyễn Hải Đông, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Thanh Hà cho biết, trong 3 ngày vừa qua (từ ngày 7 đến ngày 9-3), sức mua tại Siêu thị tăng mạnh, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm như gạo, mì tôm, đồ hộp và một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. “Tuy sức mua tăng từ 30-50% so với ngày thường nhưng siêu thị vẫn kịp thời bổ sung nguồn hàng hóa phục vụ khách hàng. Chúng tôi đảm bảo mỗi ngày có thể cung cấp từ 2-3 tấn thực phẩm từ các tỉnh, thành phố về Ninh Thuận, kể cả trong các trường hợp khẩn cấp nhất cũng không để xảy ra tình trạng thiếu hụt các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Do đó, người tiêu dùng cứ yên tâm”, ông Đông nói.
Siêu thị Coopmart Thanh Hà vẫn bảo đảm nguồn hàng cho người tiêu dùng.
Tại các chợ trên địa bàn tỉnh, mặt hàng gạo và thịt heo cũng được tiêu thụ gần gấp đôi so với ngày thường, đẩy giá các mặt hàng này có xu hướng tăng nhẹ. Chị Phan Thị Huệ, ở xã Phước Diêm (Thuận Nam) chia sẻ: Hôm qua đi chợ giá cả vẫn bình thường, hôm nay đã nghe giá gạo với thịt heo tăng vì một số bà con mua số lượng lớn về dự trữ. Tôi thấy việc làm này không cần thiết vì hiện tại tỉnh ta chưa xảy ra dịch, trong khi Việt Nam xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, rất khó có tình trạng thiếu lương thực. Mua hàng hóa tích trữ như vậy không những làm giá tăng cao mà sử dụng thực phẩm để lâu ngày cũng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trước sự việc này, lãnh đạo Sở Công Thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, không nên mua hàng dự trữ với số lượng lớn, gây biến động thị trường, tạo cơ hội cho các đối tượng lợi dụng tình hình tăng giá hàng hóa, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sở Công Thương đã lên kịch bản chi tiết để đối phó dịch COVID-19, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, do đó người dân hết sức yên tâm. Qua làm việc với các đơn vị cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh cho thấy nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân. Tùy theo tình hình thực tế, trong trường hợp cần thiết, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các doanh nghiệp và chính quyền địa phương tổ chức các đợt bán hàng lưu động để phục vụ người dân.
Nhìn chung, tâm lý hoang mang, mua hàng dự trữ chỉ xảy ra ở một bộ phận nhỏ người dân trên địa bàn tỉnh, trong khi các cửa hàng, siêu thị cũng đã có những phương án đảm bảo đầy đủ hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng, kể cả trong những tình huống khẩn cấp, nên nhìn chung thị trường trong tỉnh tương đối ổn định, chưa có xáo trộn. Bên cạnh đó, Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cường làm việc với các đơn vị sản xuất, kinh doanh và phân phối thực phẩm trên địa bàn tỉnh để khảo sát nguồn hàng cung ứng lương thực, thực phẩm và các trang thiết bị y tế; nắm bắt tình hình biến động của thị trường, từ đó có phương án điều tiết, hỗ trợ trong điều kiện cần thiết. Do vậy, người dân cần bình tĩnh, không nên quá hoang mang, lo lắng, việc mua hàng hóa dự trữ số lượng lớn là hoàn toàn không cần thiết.
Minh Thương