Triển khai, phát triển tiêu chuẩn hóa ít nhất 11 trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh đã được công nhận; trong đó, nâng cao giá trị từ 3- 5 sản phẩm OCOP (dự kiến: nho, táo, tỏi, măng tây xanh, thổ cẩm Mỹ Nghiệp) có chất lượng cao, đạt chuẩn từ 3-5 sao tham gia vào đánh giá tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Xây dựng 2 điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc thù trên địa bàn tỉnh gắn với hoạt động du lịch.
Du khách tin dùng sản phẩm đặc thù Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (Ninh Phước) của đồng bào chăm. Ảnh: Văn Nỷ
Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP (BCĐ) cấp tỉnh, cấp huyện để quản lý, điều hành thực hiện Chương trình theo hướng chuyên nghiệp. Đến nay, các BCĐ đã đi vào hoạt động ổn định, tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để mọi người hiểu được vai trò, ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của Chương trình, từ đó khơi dậy ý chí tự tin, sáng tạo của người dân và cộng đồng tham gia OCOP. Việc lựa chọn chuyên gia có kinh nghiệm để tư vấn triển khai thực hiện Chương trình OCOP cũng đang được gấp rút triển khai.
Hướng tới mục tiêu lựa được các sản phẩm có tính khác biệt của từng địa phương, BCĐ cấp huyện, cấp xã phát hành rộng rãi phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm cho cộng đồng dân cư để các chủ thể nghiên cứu đề xuất sản phẩm tham gia Chương trình; nhận phiếu đăng ký và xét chọn sản phẩm tham gia; tập huấn, hướng dẫn các chủ thể sản xuất xây dựng phương án kinh doanh để phát triển sản xuất, chuẩn hoá sản phẩm; tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh và tổ chức trao giấy công nhận cho chủ thể.
Tỉnh ta có điều kiện khí hậu thích hợp với các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù như nho, táo, tỏi, măng tây xanh, cừu, dê... Thời gian qua, thực hiện các nội dung của Đề án Chương trình OCOP, các thành viên Ban phát triển các sản phẩm đặc thù tỉnh đã chủ động triển khai nhiều nội dung, như: Hỗ trợ xác lập văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ; ứng dụng tem điện tử thông minh; đổi mới công nghệ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi; xúc tiến thương mại, giới thiệu bán hàng tại các hội chợ thương mại OCOP của cả nước, kết nối đưa các sản phẩm vào hệ thống siêu thị, thực hiện các đề tài nghiên cứu, ứng dụng, nhân rộng mô hình tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thực hành sản xuất VietGAP đối với các sản phẩm đặc thù của tỉnh. Một số huyện đã phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh giới thiệu Chương trình OCOP thông qua các lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở.
Măng tây xanh là một trong những sản phẩm đặc thù của tỉnh dự kiến sẽ tham gia vào đánh giá tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Tuy vậy, theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ (cơ quan thường trực Ban phát triển sản phẩm đặc thù tỉnh) kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, hiệu quả kinh tế đem lại từ các mặt hàng nông sản đặc thù vẫn chưa cao. Để tiếp tục phát huy giá trị các sản phẩm đặc thù, năm 2020, Ban phát triển sản phẩm đặc thù tỉnh tiến hành xây dựng Dự án và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm OCOP tỉnh; ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP; hỗ trợ thực hiện các đề tài, dự án khoa học - công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm OCOP; xây dựng website OCOP Ninh Thuận. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, doanh nghiệp; nâng cấp, cơ cấu lại các tổ chức kinh tế tham gia OCOP bằng cách hoàn thiện hệ thống tổ chức và sản xuất, kinh doanh. Tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác; xây dựng câu chuyện sản phẩm; tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; mã số, mã vạch; nhãn hiệu hàng hoá. Công tác xúc tiến thương mại cũng được quan tâm thực hiện, tập trung hỗ trợ quảng bá hình ảnh, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP; tổ chức Hội nghị đối tác OCOP nhằm kết nối giữa các chủ thể tham gia Chương trình OCOP với các đơn vị để phát triển công nghệ, sản phẩm mới, hoàn thiện bao bì, tem nhãn, xây dựng thương hiệu. Tổ chức các Hội chợ bán hàng và giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương; trong đó, có sản phẩm OCOP.
Có thể nói, kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP xác định rõ nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, có sự phân công rõ ràng về trách nhiệm và sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong tổ chức thực hiện, nhằm đạt hiệu quả cao. Việc còn lại cần làm hiện nay là, các địa phương ưu tiên đưa nội dung OCOP vào Chương trình công tác trọng tâm năm 2020 của đơn vị để chủ động thực hiện có hiệu quả.
Anh Tùng