Tờ Strait Times đưa tin trường hợp này được đăng trên tạp chí Canadian Medical Association ngày 21/11, trong đó có một nam bệnh nhân 17 tuổi mắc dạng tổn thương giống như “phổi bỏng ngô” hay còn gọi là “viêm tiểu phế quản tắc nghẽn” bởi các chất tạo mùi thơm trong thuốc lá điện tử.
Chứng bệnh này có liên quan đến tinh dầu diacetyl - chất hóa học được thêm vào quá trình nổ bỏng ngô để tạo mùi bơ béo ngậy. Ca bệnh đầu tiên được phát hiện là ở một nhà máy làm loại bỏng ngô tự nổ trong lò vi sóng ở Mỹ, do đó nó có tên gọi là “phổi bỏng ngô”. Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy diacetyl trong dung dịch thuốc lá điện tử.
"Phổi bỏng ngô" xảy ra khi hít phải các dạng hóa chất tạo mùi độc hại. Ảnh: Reuters
Thiếu niên 17 tuổi trên đã biến từ một người khỏe mạnh bỗng nhiên phải nhập viện cấp cứu tại Ontario vào mùa Xuân vừa qua vì ho dữ dội. Cậu ta được chẩn đoán bị viêm phổi và được kê thuốc kháng sinh.
5 ngày sau, thiếu niên này nhập viện với triệu chứng tồi tệ hơn và phải dùng thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch. Sức khỏe của cậu tiếp tục suy giảm nên cần sử dụng máy trợ thở. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Tiếp đến, cậu được chuyển lên bệnh viện tuyến trên để đặt máy thở màng ngoài cơ thể, hay ECMO, nhằm thay thế công việc của lá phổi. Điều đó giúp bệnh nhân thở ổn định trở lại, nhưng không thể xoay chuyển tình hình.
Bác sĩ Karen Bosma, người điều trị cho nam thiếu niên cho biết: “Tôi lo ngại lá phổi của bệnh nhân này có thể không bao giờ phục hồi đủ khỏe để thở được mà không cần dùng máy ECMO”. Sau khi tiên lượng bệnh nhân có thể cần được ghép phổi, họ đã chuyển cậu đến một trung tâm cấy ghép tạng ở Toronto.
Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy cậu bị nhiễm trùng phổi nên các bác sĩ quyết định sử dụng chất steroid liều cao để giảm viêm nhiễm.
Được biết, bệnh nhân này hút cả thuốc lá điện tử có mùi thơm và THC – thành phần chính trong cây cần sa để tạo hưng phấn. Các bác sĩ xác định đây là một ca tổn thương phổi liên quan đến thuốc lá điện tử, thậm chí còn xảy ra trước đợt bùng phát bệnh tại Mỹ.
Mặc dù ca bệnh ở Canada có nhiều điểm tương đồng với hơn 2.000 ca mắc bệnh liên quan đến thuốc lá điện tử tại Mỹ, tổn thương mà cậu thiếu niên gặp phải hoàn toàn khác. Thay vì làm tổn thương các túi khí trong phổi, thiếu niên này đã bị tổn tương đường thở do tác động của chất hóa học.
Bốn tháng sau khi xuất viện, cậu ta vẫn thở khó khăn. Bác sĩ Bosma cho biết vẫn chưa rõ liệu phổi của thiếu niên này có hồi phục hay không. "Với những bệnh nhân bị phổi bỏng ngô, thật khó để đảo ngược tình hình”, bà kết luận.
Để ngăn chặn thuốc lá điện tử gây tác hại đến sức khỏe giới trẻ, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông ủng hộ việc nâng độ tuổi tối thiểu được phép mua thuốc lá điện tử, từ 18 tuổi đến 21 tuổi, như một phần trong kế hoạch hạn chế nạn sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên tại Mỹ.
Tính tới ngày 7/11, tại Mỹ có hơn 2.000 trường hợp được xác định hoặc bị nghi mắc các tổn thương ở phổi liên quan đến hút thuốc lá điện tử, trong khi đó đã có 39 người tử vong do sản phẩm này. Gần 85% người mắc bệnh phổi trên khắp nước Mỹ thừa nhận sử dụng thuốc lá điện tử có chứa THC.
Theo TTXVN/Báo Tin tức