Theo Bác sĩ Lê Huy Thạch – Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh, tình hình SXH năm nay tăng đột biến hơn so với năm ngoái, đặc biệt từ tháng 8 và tăng cao điểm vào tháng 10, tháng 11 do thời tiết thay đổi chuyển mùa và mưa nhiều thuận lợi cho muỗi phát triển. Riêng tại Khoa nhi, số ca mắc SXH tăng hơn 30% so với năm ngoái. Đáng chú ý là nhiều bệnh nhân phải nhập viện vì có biểu hiện nặng như xuất huyết nội tạng, tái sốc nhiều lần… May mắn bệnh nhân đã được điều trị tích cực, kịp thời nên đã qua khỏi, sức khỏe dần ổn định và được xuất viện, chưa có trường hợp nào tử vong.
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi mắc SXH.
Từ tháng 10 đến tháng 12 hằng năm là chu kỳ đỉnh dịch của SXH, bệnh này lại chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị, do đó các bác sĩ khuyến cáo người dân cần hết sức chú ý phòng bệnh bằng cách diệt loăng quăng, vệ sinh môi trường và đề phòng muỗi đốt… Những trường hợp SXH nhẹ có thể tự khỏi sau 5-7 ngày, tuy nhiên nếu người bệnh chủ quan, tự ý dùng thuốc sẽ dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, vì vậy khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, cơ thể mệt mỏi thì người dân cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm máu xem có bị SXH hay không, từ đó được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Lê Vy