Theo báo cáo của ngành Y tế, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.374 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2018, nhưng chưa có trường hợp tử vong. Trong đó: Tp. Phan Rang-Tháp Chàm có 475 trường hợp; Ninh Phước 434 trường hợp; Ninh Hải 195 trường hợp; Thuận Nam 124 trường hợp; Ninh Sơn 83 trường hợp; Thuận Bắc 57 trường hợp và Bác Ái 5 trường hợp. Ngành Y tế đã phối hợp với các địa phương xử lý 111 ổ dịch SXH tại các thôn, tổ dân phố thuộc 6/7 huyện, thành phố. Tập trung chủ yếu tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam. Mặc dù UBND huyện, thành phố đã chỉ đạo các xã, phường lập kế hoạch phun hóa chất diệt lăng quăng, chủ động xử lý ổ dịch nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục ghi nhận ca bệnh SXH mới tăng cao tại một số địa phương trong tỉnh. Qua kiểm tra, giám sát tại một số xã, phường việc sử dụng các vật dụng chứa nước khó súc rửa như bể, hồ, bi trong các hộ dân chưa xử lý triệt để diệt lăng quăng, tạo điều kiện thuận lợi phát triển muỗi truyền bệnh SXH. Đây cũng là nguyên nhân kéo dài dịch bệnh. Hiện nay, đang vào mùa mưa, nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh SXH, thì nguy cơ bùng phát bệnh trên diện rộng là rất cao.
Để tăng cường phòng, chống bệnh SXH, không để dịch bệnh lây lan, kéo dài, theo đề nghị của Sở Y tế, từ nay đến cuối năm, UBND các huyện, thành phố cần chỉ đạo các xã, phường có nguy cơ bùng phát dịch bệnh SXH cao như: phường Đông Hải, Phước Mỹ, Văn Hải (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm); xã An Hải, Phước Hậu, Phước Sơn, Phước Thái (Ninh Phước); xã Hộ Hải, Xuân Hải (Ninh Hải); xã Cà Ná, Phước Diêm (Thuận Nam) cần huy động lực lượng ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy trong vòng 1 tuần trước khi ngành Y tế phun hóa chất vì việc phun hóa chất diệt được muỗi, nhưng không diệt được lăng quăng. Nếu chỉ phun hóa chất nhưng không tổ chức diệt lăng quăng triệt để thì chỉ sau vài ngày lăng quăng lại phát triển thành muỗi và làm lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, gây tổn thất cho xã hội. Các địa phương có số trường hợp mắc bệnh SXH cao, cần phối hợp với ngành Y tế chủ động tổ chức phun hóa chất diệt muỗi; tổ chức truyền thông vận động, hướng dẫn người dân thường xuyên áp dụng các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi; chú ý loại bỏ các vật dụng phế thải chứa nước, lật úp các vật dụng chứa nước không cần thiết, không để lăng quăng, bọ gậy phát triển. Thông qua hoạt động tầm soát và diệt lăng quăng, bọ gậy hàng tuần, tổ chức ký cam kết với các cơ quan, đơn vị, khu công nghiệp, công trường xây dựng, hộ gia đình thực hiện các biện pháp đảm bảo không có lăng quăng, bọ gậy…
Ngoài việc áp dụng các biện pháp trên thì cần tăng cường ý thức cho người dân trong phòng bệnh là vô cùng quan trọng. Khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh SXH phải chủ động đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị tránh để bệnh diễn tiến nặng có thể gây tử vong.
Nhật Nguyên