Việt Nam được đề cử trong nhiều hạng mục phạm vi toàn cầu
Mặc dù đã được khách du lịch trên thế giới đánh giá cao từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên ẩm thực Việt Nam được một giải thưởng uy tín, tầm cỡ thế giới - Giải thưởng World Travel Awards (WTA) - công nhận và ghi danh trong danh sách đề cử “Điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới".
Ngoài đề cử này, Việt Nam còn có đề cử khác của Giải thưởng World Travel Awards năm 2019. Trong đó, Hà Nội được đề cử Điểm đến Thành phố du lịch hàng đầu thế giới 2019 (World's Leading City Destination 2019); Hội An được đề cử Điểm đến Thành phố Văn hóa hàng đầu thế giới 2019 (World's Leading Cultural City Destination 2019); Việt Nam cũng được đề cử Điểm đến Văn hóa hàng đầu thế giới 2019 (World's Leading Cultural Destination 2019) và đề cử Điểm đến Du lịch hàng đầu thế giới 2019 (World's Leading Destination 2019)…
Thủ đô Hà Nội lọt vào đề cử Thành phố hàng đầu thế giới.
Theo Tổng cục Du lịch, việc Việt Nam được đề cử trong nhiều hạng mục phạm vi toàn cầu (không chỉ ở phạm vi khu vực như những năm trước) cho thấy sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam ngày một lan tỏa rộng trên bản đồ du lịch thế giới; chất lượng, thương hiệu điểm đến Việt Nam ngày càng được khẳng định.
Đây cũng là cơ hội quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam tới cộng đồng du lịch quốc tế.
Lễ trao giải dành cho các khu vực và châu lục sẽ diễn ra trên toàn cầu trước khi lễ trao giải thế giới tổ chức. Năm nay, lễ trao giải cho khu vực châu Á diễn ra tại Phú Quốc ngày 12-10; lễ trao giải thế giới tổ chức tại Muscat, Oman vào tháng 11.
Bình chọn cho Việt Nam tại các hạng mục giải thưởng đã được đề cử tại trang web World Travel Awards: https://www.worldtravelawards.com/vote (đăng nhập và xác nhận bằng email, bấm vào link World, chọn các hạng mục như trên theo thứ tự Alphabet). Hạn cuối bầu chọn cho Việt Nam tại WTA là 20-10-2019.
Đặc sắc ẩm thực Việt Nam
Ẩm thực Việt Nam rất phong phú, đa dạng qua đó thể hiện được tính hòa đồng, đa dạng, nguyên lý pha trộn các loại gia vị và những thói quen ăn uống của người Việt. Không phải ngẫu nhiên mà bạn bè quốc tế đều khen ngợi các món ăn Việt Nam rất ngon và qua các kỳ Festival quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam ở nước ngoài, gian hàng ẩm thực của chúng ta cũng luôn thu hút rất đông thực khách bản xứ.
Ẩm thực Việt Nam lấy tự nhiên làm gốc, cộng với sự kết hợp tinh tế, thanh đạm và hài hòa của các loại gia vị, tạo nên những món ăn, món ăn vừa ngon lành, lại vừa có lợi cho sức khỏe. Từ thuở đầu dựng nước, truyền thuyết bánh chưng, bánh dày đã khẳng định nguyên lý của ẩm thực Việt Nam là cân bằng âm dương và ngũ hành tương sinh, nhờ vậy mà món ăn Việt Nam trông đơn giản nhưng vẫn đạt đến độ tinh tế và vẻ đẹp hài hòa. Và đó cũng là lý do để ẩm thực Việt Nam tồn tại lâu dài, phát triển mạnh mẽ và lan tỏa rộng rãi trên thế giới.
Có thể kể đến một số món ăn độc đáo của Việt Nam như: bún chả, nem, Phở, chả cá Lã Vọng, bánh cuốn Thanh Trì, bún Thang (Hà Nội ); phở chua (Lạng Sơn); bún bò Huế, bánh bèo, bánh bột lọc (Thừa Thiên-Huế); mỳ Quảng (Quảng Nam); Gỏi cuốn, chả giò, cơm tấm (Sài Gòn)…
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, cả nước hiện có hơn 3.000 món ăn trải dài khắp các vùng miền (riêng cố đô Huế sở hữu hơn 1.000 món ăn mang đậm truyền thống, phong cách dân tộc) với khoảng 30.000 quán ăn, khu ẩm thực… Ngoài ra còn có 15.000-20.000 nhà hàng thuần Việt tại nhiều quốc gia ở khắp các châu lục… Năm 2015, Việt Nam lọt top 10 nền ẩm thực tuyệt nhất do khán giả CNN (một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ) bình chọn.
Xét riêng trong lĩnh vực du lịch, theo báo cáo của Dự án xây dựng Khu bảo tồn ẩm thực truyền thống và tôn vinh tổ nghề đầu bếp Việt, ẩm thực Việt Nam rất hấp dẫn khách du lịch, cả khách quốc tế và khách nội địa. Nhiều món ăn truyền thống Việt Nam như phở, bún chả, nem… đã được thừa nhận là những món ngon, độc đáo hàng đầu thế giới, không thể không thưởng thức khi đến Việt Nam và chỉ thưởng thức ở Việt Nam mới ngon. Đặc biệt, sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đến ăn phở ở TP. Hồ Chí Minh (tháng 11-2000) hay Tổng thống Barack Obama đến ăn bún chả ở Hà Nội (tháng 5-2016) trong chuyến công du của các ông đã làm cho thương hiệu ẩm thực Việt Nam ngày càng nổi tiếng hơn trên thế giới.
Trong những năm gần đây, các nghiên cứu về ẩm thực và thực hành ẩm thực gắn với du lịch ở Việt Nam cũng đã có nhiều bước phát triển: có nhiều luận án tiến sĩ, luận án thạc sĩ về ẩm thực; nhiều hội thảo, xuất bản phẩm về ẩm thực; nhiều trang web giới thiệu về món ắn, đồ uống đặc sắc của vùng miền; nhiều tour du lịch gắn với ẩm thực được xây dựng, một số nghề nghiệp về ẩm thực được thành lập… Nhờ đó đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức và phản ánh di sản ẩm thực quý giá ở Việt Nam.
Đưa ẩm thực thành sản phẩm du lịch hấp dẫn
Theo thống kê của Hội Lữ hành ẩm thực thế giới, có khoảng trên 25% khách du lịch quan tâm đến ẩm thực khi đi du lịch. Báo cáo toàn cầu lần thứ hai về du lịch ẩm thực cho thấy, có 87% số tổ chức được điều tra xác định du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến; 82% cho rằng du lịch ẩm thực là động lực quan trọng cho phát triển du lịch, là chất xúc tác cho kinh tế địa phương; và nhìn chung ẩm thực là nguyên nhân thứ 3 (sau yếu tố văn hoá và điều kiện tự nhiên) ảnh hưởng quyết định đến điểm đến của du khách.
Với tầm quan trọng như vậy, việc đưa ẩm thực thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn là rất cần thiết. Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, ngành Du lịch đang chú trọng xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút khách du lịch, trong đó ẩm thực nổi lên một một sản phẩm đặc thù, mang dấu ấn riêng của du lịch Việt Nam. Nhiều món ngon của Việt Nam đã làm say mê bao nhiêu du khách quốc tế và lan tỏa ra khắp thế giới. Điều này cho thấy ẩm thực Việt hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt.
Việt Nam hiện có khoảng trên 50.000 đầu bếp chuyên nghiệp, họ cũng chính là lực lượng chủ lực trong bảo tồn và phát triển ẩm thực truyền thống. Họ cũng là người kết hợp được ẩm thực truyền thống với ẩm thực quốc tế. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã thành lập Hội Đầu bếp Việt Nam nhằm liên kết, hợp tác, hỗ trợ, đào tạo nâng cao trình độ nghề nghiệp, bồi dưỡng tài năng cho đội ngũ đầu bếp Việt Nam, tạo thương hiệu cho ẩm thực Việt. Hội cũng sẽ tiến hành xây dựng và chuẩn hóa các món ăn Việt Nam, xây dựng tiêu chí về xếp hạng đội ngũ đầu bếp Việt Nam, góp phần xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút ngày một nhiều khách đến Việt Nam.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Việt Nam. Đây sẽ là nơi nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu các món ăn Việt, đào tạo đội ngũ đầu bếp cho các nhà hàng, khách sạn nhằm phát triển mảng ẩm thực, hỗ trợ phát triển du lịch.
Theo TTXVN