“Du lịch và việc làm-Tương lai tươi sáng cho tất cả”
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, du lịch đã trở thành một nhu cầu tất yếu của xã hội. Đây không những là ngành kinh tế mũi nhọn của các nước mà còn là cầu nối giao lưu giữa các quốc gia dân tộc, và các miền trong một đất nước. Nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch trong cộng đồng quốc tế, từ năm 1980, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã chọn ngày 27-9 hàng năm là Ngày Du lịch thế giới.
Vào Ngày Du lịch thế giới mỗi năm UNWTO đều đưa ra các chủ đề khác nhau, góp phần kích thích sự phát triển đúng hướng của các công ty du lịch, khách du lịch và các chính quyền địa phương. Có thể kể đến một số chủ đề trong những năm gần đây như: “Du lịch và chuyển đổi kỹ thuật số” (2018), “Du lịch bền vững: Cách thức để phát triển” (2017), “Du lịch cho mọi người” (2016) “Một tỷ du khách, một tỷ cơ hội” (2015)...
Du khách trong và ngoài nước tham quan tại Tháp PoKlong Garai (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ
Năm 2019, chủ đề của Ngày Du lịch thế giới là “Du lịch và việc làm-Tương lai tươi sáng cho tất cả”. Trong thông điệp nhân Ngày Du lịch thế giới 2019, Tổng Thư ký UNWTO, ông Zurab Pololikashvili cho biết: Du lịch có thể giúp chúng ta xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người. Trên khắp thế giới, du lịch đem lại nguồn việc làm hàng đầu, cung cấp nhiều triệu việc làm, thúc đẩy kinh tế phát triển cả ở cấp địa phương và quốc gia. Việc làm trong ngành Du lịch đem đến cho phụ nữ, thanh niên và các cá nhân ở nông thôn cơ hội hỗ trợ bản thân, gia đình, hòa nhập sâu rộng hơn vào xã hội… Nếu được quản lý tốt, sự tăng trưởng liên tục của ngành Du lịch sẽ đem đến cơ hội và cho phép du lịch thực hiện trách nhiệm xã hội toàn cầu của mình, không để bất cứ ai tụt hậu với thế giới.
Ông Zurab Pololikashvili nhấn mạnh, du lịch đang dẫn đầu trong việc cung cấp cho người lao động những kỹ năng và kiến thức cần thiết cho tương lai. Cập nhật và sáng tạo, hợp tác hiệu quả với các đối tác trong lĩnh vực công nghệ và các cơ sở đào tạo... sẽ góp phần tạo ra ngày càng nhiều việc làm với chất lượng tốt hơn trong ngành du lịch.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Đối với Việt Nam, trong nhiều năm qua, du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng, chiếm một tỷ trọng lớn trong thu nhập kinh tế quốc dân. Du lịch còn giúp xóa đói, giảm nghèo ở những vùng sâu vùng xa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Đáng chú ý, ngành Du lịch đang tạo ra một khối lượng lớn việc làm. Theo thống kê sơ bộ, Việt Nam hiện có khoảng 1,3 triệu lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch, chiếm 2,5% tổng số lao động trong cả nước.
Tuy nhiên, trong số 1,3 triệu lao động đó, chỉ có khoảng trên 40% được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, gần 40% chuyển từ lĩnh vực khác sang; và có đến 20% chưa qua đào tạo chính quy, chuyên nghiệp.
Nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành Du lịch, tuy nhiên hiện nay công tác đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch tại Việt Nam vẫn được đánh giá là còn thiếu và yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập và phát triển. Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 350 cơ sở đào tạo về du lịch các cấp từ sơ cấp đến bậc đại học. Dù quy mô đào tạo có tăng mạnh, nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong khâu tổ chức đào tạo như: Hệ thống giáo trình thiếu cập nhật, chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, nặng về lý thuyết trong khi ngành Du lịch đòi hỏi thời gian thực tập nhiều hơn để tích lũy kinh nghiệm; chưa có sự liên kết chặt chẽ, đồng bộ giữa nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo…
Thông tin từ Tổng Cục Du lịch cho thấy, mỗi năm toàn ngành cần khoảng 40.000 lao động, nhưng thực tế lượng sinh viên ra trường mỗi năm chỉ đạt khoảng 15.000 người và chỉ có khoảng 12% trong số này có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Dù được đào tạo chính quy nhưng khi được tuyển dụng, hầu hết doanh nghiệp du lịch phải đào tạo lại để nhân lực đáp ứng được yêu cầu công việc bởi nhiều sinh viên sau khi ra trường còn yếu về chuyên môn nghề nghiệp, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ. Dự báo đến năm 2020, cả nước cần khoảng 2,5 triệu lao động trực tiếp làm việc trong các cơ sở dịch vụ du lịch, chưa kể đến số lượng lớn lao động cung cấp cho loại hình du lịch tàu biển.
Mặt khác, đất nước đang hội nhập nhanh với khu vực và thế giới, Việt Nam đã gia nhập CPTTP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương); Du lịch cũng là một trong 8 ngành nghề nằm trong thỏa thuận các nghề sẽ được thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN (MRA-TP) - cho phép dịch chuyển lao động tự do trong ngành Du lịch giữa các nước ASEAN.
Trong bối cảnh đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lĩnh vực này là hết sức cần thiết, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các điểm đến nói chung và mỗi doanh nghiệp nói riêng.
Để đạt được điều đó, theo các chuyên gia, cần phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ chính như: hoàn thiện khung chương trình đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của giảng viên; đẩy mạnh việc đào tạo chú trọng thực hành; đặc biệt, cần phải có chính sách và cơ chế nhằm gắn kết giữa 3 nhà: nhà nước-nhà trường-doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các chính sách và hành lang pháp lý cho việc tổ chức đào tạo cũng cần được đổi mới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác đào tạo kỹ năng năng như: kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, sáng tạo, dịch vụ khách hàng… để người lao động có thể tự tin, chủ động phát huy được khả năng của mình trong môi trường hội nhập.
Theo TTXVN