Ấn Độ và Việt Nam đều là những quốc gia đầy tiềm năng phát triển du lịch với những điểm đến tuyệt vời, tuy nhiên lượng khách du lịch của cả hai nước vẫn còn rất hạn chế. Theo Đại sứ, vì sao lại có nghịch lý này?
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Ấn Độ với dân số lớn vào hàng thứ hai thế giới đang được xem là một thị trường khách du lịch đầy triển vọng. Mỗi năm có khoảng 25 triệu lượt người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài và xu hướng này đang tăng mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam còn rất khiêm tốn (khoảng hơn 130.000 lượt khách Ấn Độ tới Việt Nam trong năm 2018, trong khi lượng khách du lịch Ấn Độ tới Thái Lan đạt khoảng 1,5 triệu lượt người).
Đại sứ Phạm Sanh Châu (ngoài cùng bên phải) tại đám cưới tỷ phú Ấn Độ ở khách sạn J.W.Marriott Emerald Bay - Phú Quốc.
Một trong những hạn chế trong việc thu hút khách du lịch từ thị trường tiềm năng này là do ta chưa có tuyến đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ. Khách du lịch Ấn Độ hiện phải bay nối chuyến qua một số nước, làm mất nhiều thời gian chờ đợi và phát sinh chi phí.
Rất nhiều du khách quan tâm về đường bay thẳng và tìm hiểu về du lịch Việt Nam. Nhiều chuyên gia lữ hành Ấn Độ tin tưởng trong tương lai, ngành du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan và Singapore để trở thành điểm đến của hàng chục triệu du khách Ấn Độ.
Rõ ràng những khó khăn trong giao thông đã cản trở rất nhiều đến sự phát triển du lịch của cả hai nước. Vậy Đại sứ đánh giá sao về những cơ hội khi hãng IndiGo của Ấn Độ sẽ mở đường bay thẳng tới Việt Nam, hãng Vietjet mở đường bay thẳng tới Ấn Độ?
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Việc hãng hàng không Vietjet Air mở đường bay thẳng trực tiếp từ Hà Nội và TPHCM tới New Delhi vào tháng 12/2019 và hãng hàng không Ấn Độ IndiGo mở đường bay thẳng tới Hà Nội ngày 3/10 và TPHCM ngày 18/10 chính là cơ hội lớn để đẩy mạnh hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Ấn Độ, đặc biệt, trong xu hướng lượng khách trao đổi giữa Ấn Độ và Việt Nam có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây.
Năm 2018, du khách Ấn Độ đến Việt Nam đạt 132.371 lượt, tăng 21%. Trong khi đó, lượng khách Việt Nam đến Ấn Độ đạt 31.408 lượt, tăng 32% so với năm 2017. Trong bảy tháng đầu năm 2019, Việt Nam đón 88.565 lượt khách Ấn Độ, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Hãng hàng không IndiGo là một trong những hãng hàng không lớn nhất của Ấn Độ với hơn 200 máy bay và chiếm 49% thị phần của thị trường Ấn Độ. Đại diện của IndiGo cho hay họ mong muốn mở đường bay thẳng Ấn Độ-Việt Nam nhằm thúc đẩy việc đưa khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam và ngược lại.
Tôi tin rằng việc tích cực quảng bá du lịch, mở đường bay thẳng giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ biến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn du khách Ấn Độ. Tôi nhớ hồi tháng 3/2019, khi Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ dành nhiều thời gian và công sức để kết nối đưa đám cưới tỷ phú Ấn Độ về tổ chức tại khách sạn J.W.Marriott Emerald Bay - Phú Quốc, các du khách đều cho hay họ bất ngờ vì không nghĩ Việt Nam lại có địa điểm tổ chức tiệc cưới ấn tượng như vậy. Du lịch Việt Nam rất đa dạng, hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú ở các vùng miền.
Trong khi đó, Tổ chức Du lịch Thế giới cũng đã dự báo lượng khách du lịch Ấn Độ đi nước ngoài sẽ đạt khoảng 50 triệu người vào năm 2020, từ đây đưa Ấn Độ trở thành thị trường hấp dẫn mà nhiều nước nhắm tới khai thác trong đó có Việt Nam.
Rất nhiều khách Ấn Độ ngày càng thích đến Việt Nam du lịch bởi nhiều yếu tố hội tụ như môi trường du lịch an toàn, phong cảnh đẹp, con người thân thiện, món ăn hấp dẫn, là đất nước có tôn giáo Phật giáo lâu đời…
Và Đại sứ có niềm tin chắc chắn với việc các hãng hàng không hai nước mở đường bay đến Việt Nam và Ấn Độ, Việt-Ấn sẽ trở thành trị trường trọng điểm của nhau?
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Tôi tin dưới góc độ doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho hay thị trường khách Ấn Độ với số lượng dân đông đảo thuộc top đầu thế giới thực sự là là “miếng bánh” rất hấp dẫn. Chỉ tính riêng tầng lớp trung lưu của quốc gia hàng tỷ dân này cũng lên tới 200-300 triệu người, lại có nhu cầu mua sắm, vui chơi, du lịch gia tăng hằng năm cao, từ đây cho rằng nếu biết cách khai thác đây sẽ là “con gà đẻ trứng vàng” cho du lịch Việt Nam.
Trong thời gian tới, để hợp tác giữa hai bên được tăng cường hơn nữa cần đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, giáo dục đào tạo, trao đổi thông tin du lịch giữa hai quốc gia nhằm thu hút du khách Ấn Độ đến Việt Nam và ngược lại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam cũng cần thay đổi hình ảnh về du khách Ấn Độ là một nước nghèo mà thực tế họ vẫn có tiềm năng chi tiêu du lịch rất lớn và Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội để biến mình trở thành điểm đến hấp dẫn.
Khách Việt Nam đến Ấn Độ hiện chủ yếu là để hành hương về vùng đất Phật, nhưng như Đại sứ đã nói, Ấn Độ có rất nhiều tiềm năng. Đại sứ có thể chia sẻ rõ hơn về những tiềm năng này?
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Ấn Độ được biết đến là một quốc gia nổi tiếng với các di sản thiên nhiên, văn hóa và tôn giáo phong phú đa dạng như kiến trúc của đền thờ, cung điện, pháo đài là những tác phẩm điêu khắc vĩ đại, có tính nghệ thuật cao, với nguồn tài nguyên du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh Phật giáo phong phú, đặc sắc. Du khách đến Ấn Độ có thể trải nghiệm tại các vùng đất kỳ thú như thiền định, yoga, du lịch Phật giáo, chèo thuyền trên sông Hằng huyền thoại hoặc leo núi, trượt tuyết dãy Himalaya.
Ngoài ra, du lịch chăm sóc sức khỏe và các khóa tu yoga cũng là một tiềm năng to lớn của Ấn Độ mà khách du lịch có thể tham quan, tham gia điều trị tại các bệnh viện đẳng cấp thế giới… Đây đều là những trải nghiệm vô cùng kỳ thú mà du khách Việt Nam yêu thích.
Hiện Ấn Độ cũng đã áp dụng cơ chế cấp thị thực điện tử cho 169 quốc gia bao gồm Việt Nam và có giá trị tại 28 cửa khẩu hàng không và năm cửa khẩu tại các cảng biển, đóng góp vào việc tăng cường lượng du khách nước ngoài tới Ấn Độ. Cơ chế cấp thị thực điện tử được áp dụng cho các du khách tới Ấn Độ với mục đích du lịch, thương gia, khám, chữa bệnh và hội thảo sẽ hỗ trợ cho du khách rất nhiều.
Theo www.chinhphu.vn