Qua khai thác, thanh lý hiện còn 8.119 ha, gồm: 6.737 ha rừng phòng hộ, đặc dụng và 1.382 ha rừng sản xuất. Trồng rừng phòng hộ là một trong những mục tiêu chính của dự án, chiếm 35%-45% tổng vốn đầu tư với nhiều loại cây chịu hạn như neem, cóc hành và trôm mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Cây neem và cóc hành phát triển mạnh trên các vùng đất cát ven biển và vùng đất đồi núi, đất lẫn đá đã phát huy tác dụng phòng hộ như chống cát bay, chắn gió cho những vùng đất sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn nước ngầm cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất, cân bằng sinh thái vùng đồi núi hoang hóa và chống sa mạc hóa. Cây trôm trồng phủ xanh kết hợp lấy mủ tại các vùng núi đá; mít ruột đỏ là cây lâu năm, có tác dụng phòng hộ như cây rừng phù hợp với điều kiện tự nhiên tại các xã miền núi giáp ranh các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, trong tương lai tạo thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩm từ trái mít.
Cán bộ kiểm lâm huyện Ninh Sơn thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Nguyễn Sơn.
Đối với cây phân tán, toàn tỉnh trồng 4,885 triệu cây, chủ yếu là điều, keo lá tràm, cóc hành…, góp phần thay đổi sinh thái, tạo bóng mát, làm đẹp cảnh quan khu dân cư, trường học, công sở, đường giao thông... Một số diện tích lớn đất trống không có khả năng sản xuất nông nghiệp cũng được trồng phủ xanh, làm thay đổi điều kiện môi trường tại một số vùng nông thôn miền núi, nhất là khu vực ven biển.
Cùng thời gian trên, toàn tỉnh đã giao khoán 618.955 lượt ha rừng các loại, đạt 97,6 % kế hoạch (bình quân mỗi năm giao khoán khoảng 51.579 ha rừng phòng hộ đầu nguồn, ven biển và đặc dụng). Công tác giao khoán bảo vệ rừng mang lại hiệu quả về môi trường; giữ vững độ che phủ, giải quyết công việc làm cho người dân các xã vùng dự án. Mỗi năm thực hiện dự án đã thu hút gần 150.000 ngày công lao động của nhân dân, và đây cũng là lực lượng chính trong công tác bảo vệ, trồng mới rừng, chăm sóc rừng trồng và được hưởng lợi từ việc bảo vệ rừng (mỗi hộ nhận 100.000đồng/ha/năm; bình quân mỗi hộ giữ 25- 30 ha rừng).
Theo anh Phạm Thiều, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp, Trưởng Ban quản lý Dự án 661 tỉnh, qua 12 năm thực hiện dự án trồng rừng đã có tác động lớn trong công tác giảm đói nghèo, phát triển kinh tế cho các hộ dân sống gần rừng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn miền núi. Tuy nhiên căn cứ kết quả phân cấp 3 loại rừng, hiện nay tỉnh ta còn 50.805 ha đất trống lâm nghiệp cần phải trồng rừng mới để phủ xanh, chống xói mòn, hoang hóa và sa mạc hóa; đồng thời bảo vệ vùng đầu nguồn và vành đai xung quanh các hồ chứa nước. Vì vậy trong thời gian tới, tỉnh kiến nghị với trung ương tiếp tục thực hiện các hạng mục thuộc Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng chưa hoàn chỉnh, xây dựng chính sách về thu phí môi trường và thực hiện các dự án thủy-lâm kết hợp.
Vân Tuyền