Công ty Kiểm toán Grant Thornton Việt Nam vừa công bố thông tin: cuộc khảo sát mới đây từ 5.700 doanh nghiệp thuộc 39 nền kinh tế trên thế giới do Grant Thonrnton toàn cầu thực hiện đã nhận định trong quý I/2011, các nền kinh tế phát triển đã cho thấy sự lạc quan trong kinh doanh; khoảng cách giữa các nền kinh tế trong thời gian tới sẽ được thu hẹp một cách nhanh chóng. Các nền kinh tế mới nổi như châu Mỹ Latinh tiếp tục duy trì mức độ lạc quan cao nhất về triển vọng nền kinh tế của họ. Tại Việt Nam đã có một bước nhảy vọt về mức độ lạc quan tăng từ 62% lên tới mức 80%, vươn lên vị trí thứ 7 trong các nước có niềm lạc quan cao nhất trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Ông Alan Dy cũng cho biết: những nền kinh tế mới nổi khác như Brazil và Nga đang phải chứng kiến sự tăng giá các loại tiền tệ làm cho hàng hóa xuất khẩu đắt hơn, đến mức độ buộc Brazil phải kêu gọi cải cách cơ bản đối với hệ thống tiền tệ quốc tế. Lạm phát và lãi suất cũng tăng lên là nguyên nhân dẫn đến mức sụt giảm trong sự lạc quan về triển vọng kinh tế tại một số nước.
Theo khảo sát nêu trên, 43% doanh nghiệp Việt Nam tin rằng việc thiếu hụt lao động chuyên môn cao sẽ gây cản trở cho khả năng tăng trưởng trong năm nay, đây là mức tăng 10% so với năm 2010. Trong khi đó, một nửa số doanh nghiệp tư nhân tại Ấn Độ (51%) và Brazil (49%) đang căng thẳng với việc thiếu hụt lao động chuyên môn cho rằng việc này sẽ gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế năm nay. Đây cũng là vấn đề gặp phải của các doanh nghiệp tại Trung Quốc (40%), Thái Lan (46%) và Nam Phi (37%)… Nhận định của ông Ken Atkinson, Tổng giám đốc Grant Thornton Việt Nam cho rằng: Việc thiếu hụt lao động tay nghề cao sẽ tác động đến niềm tin kinh doanh tại các thị trường mới nổi và đó là một thách thức thật sự đối với sự tăng trưởng.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam