Cây Mía, Mỳ và Thuốc lá (M-M-TL) đang góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giải quyết công ăn việc làm, cải thiện đời sống, xoá đói giảm nghèo cho nhiều nông hộ ở huyện Ninh Sơn. Trong giai đoạn 2011-2015, 3 cây M-M-TL được chọn là cây “chủ lực” góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng vùng chuyên canh cây nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến phát triển, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.
“Mùa vàng” trên những vùng chuyên canh
Vào những ngày này, tại những cánh đồng mía ở xã Quảng Sơn, Hòa Sơn…người dân đang hối hả thu hoạch vụ mía 2010-2011. Hàng chục xe tải của Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang nối đuôi nhau chở mía, nhộn nhịp cả vùng nông thôn. Chưa bao giờ, người nông dân trúng mía như năm nay. Năng suất bình quân từ 40-60 tấn/ha (tăng 20 tấn/ha so với niên vụ 2009-2010). Trong đó, cá biệt có 20 ha sử dụng giống mới như K 8865, K 8892, K 93129, K 95154 v.v… nhập từ Thái Lan về cho năng suất trên 100 tấn/ha. Với giá mua mía của Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang tại ruộng là 1.100.000 đồng/tấn (10 chữ đường), trừ chi phí sản xuất, người trồng mía thu từ lãi từ 30 triệu đồng đến 70 triệu đồng/ha. Niên vụ 2010-2011, toàn huyện Ninh Sơn có hơn 1.845 ha mía với sản lượng ước đạt hơn 84.500 tấn mía cây.
Nông dân xã Quảng Sơn thu hoạch mì
Không riêng gì cây mía, dọc theo các con đường vào những cánh đồng ngút ngàn cây mỳ của xã Quảng Sơn, chúng tôi cảm nhận một không khí rộn rã trong ngày thu hoạch. “Năm nay, giá mì cao, nông dân trúng giá…”, chị T.T.L thôn Thạch Hà bày tỏ niềm vui. Đang tiến hành thu hoạch gần 6ha mì với giá hiện tại từ 1.500-1.900 đồng/kg, sau vụ thu hoạch trừ các khoản chi phí, chị T.T.L cũng thu hơn trăm triệu đồng tiền lãi. Chung niềm vui, ông N.V.T thôn Triệu Phong hoan hỉ :“Giá mì cao không phí công người trồng mì mong đợi”. Không vui sao được khi ông N.V.T có hơn 10ha mì đang thu hoạch và nắm chắc trong tay trên dưới 200 triệu tiền lãi vụ mì năm nay. Cùng với diện tích mía, niên vụ 2010-2011 huyện Ninh Sơn trồng hơn 1.881 ha mì.
Cùng với cây mía và cây mỳ, nông dân xã Mỹ Sơn và Nhơn Sơn đang thu hoạch đại trà cây thuốc lá với diện tích 420 ha, dự kiến đạt 1.068 tấn, quả là một “mùa vàng” của người dân huyện Ninh Sơn. Nét mới trong sản xuất các loại cây M-M-TL là nông dân Ninh Sơn đã dần thay đổi được nếp nghĩ, cách làm, hướng vào thâm canh, bảo đảm tăng năng suất và chất lượng. Nhiều địa phương trong vùng trọng điểm đã tiến hành quy hoạch đất đai, thực hiện “dồn điền, đổi thửa” và giao lại ruộng đất cho nông dân trồng. Với cách làm này, nhiều nông dân đã tích tụ được ruộng, đất và có điều kiện đầu tư mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh. Nếu trước đây, nông dân sản xuất theo hình thức manh mún thì nay nhiều hộ thuê đất trồng M-M-TL và đã trở thành “ông chủ” với vài chục ha với mức thu nhập đã lên tới hàng trăm triệu đồng/năm.
Nông dân xã Mỹ Sơn thu hoạch thuốc lá.
Ông Văn Hữu Thận, Phó Giám đốc Nguyên liệu- Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang khẳng định: Sự phát triển nhanh các vùng nguyên liệu, nhất là cây mía chính là nhờ Ninh Sơn đã chủ động, vận động nông dân thực hiện “dồn điền, đổi thửa”, trhu7c5 hiện cơ giới hóa vào đồng mía và tạo được sự hài hòa về lợi ích của bốn nhà (nhà nông, nhà máy, nhà khoa học và Nhà nước). Ðây được coi là những yếu tố kích thích để nông dân làm chủ thật sự và có điều kiện đầu tư đúng mức vào cây trồng chuyên canh tập trung, bảo đảm tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và đạt hiệu quả kinh tế cao...
Xây dựng các vùng chuyên canh bền vững
Theo đ/c Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X (nhiệm kỳ 2011-2015) xác định cơ cấu kinh tế của huyện đến năm 2015, nông nghiệp-lâm nghiệp chiếm 50%, trong đó trồng trọt chiếm 70% tỷ trọng nền kinh tế của huyện. Với lợi thế tiềm năng về đất đai, thổ nhưỡng; các cây trồng M-M-TL đã thích nghi, huyện đang phấn đấu xây dựng trở thành vùng chuyên canh cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến chủ lực của tỉnh, phấn đấu từ nay đến năm 2015, phát triển ổn định vùng chuyên canh với cây mía 2.000 ha, cây mỳ 2.200 ha, cây thuốc lá 1.000 ha. Có thể thấy, cùng với chính quyền, nông dân Ninh Sơn hiện nay thực hiện dồn điền, đổi thửa và tích tụ đất trồng M-M-TL ngày càng nhiều. Ðây là bước đi đúng hướng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X. Xây dựng nhiều vùng M-M-TL chuyên canh, bảo đảm thực hiện cho được ba chỉ tiêu: tăng năng suất, chất lượng cây M-M-TL, giảm chi phí sản xuất và đạt hiệu quả kinh tế cao (trong đó mục tiêu làm cho người trồng có lãi là quan trọng nhất).
Đ/c Lưu Khoan, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ninh Sơn đang có một lợi thế rất lớn để trở thành vùng chuyên canh cung cấp nguyên liệu công nghiệp chế biến trọng điểm của tỉnh. Ngoài tiềm năng sẵn có, hiện nay ngành nông nghiệp cũng đã quy hoạch xong các vùng nguyên liệu trồng M-M-TL và được UBND tỉnh phê duyệt. Các loại cây này chủ yếu tập trung ở huyện Ninh Sơn: cây mía chiếm 87,3%; cây mì chiếm 80% và cây thuốc lá chiếm 50%. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh đang có 3 đơn vị gồm: Công ty Cổ phẩn Mía đường Phan Rang, Chi nhánh Công ty cổ phần Hòa Việt và Nhà máy Chế biến tinh bột mì Ninh Thuận đang hoạt động sản xuất chế biến M-M-TL, nguồn nguyên liệu cung cấp chính cũng từ huyện Ninh Sơn; cả 3 công ty này cũng đã ký kết với nông dân huyện Ninh Sơn để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu bền vững, đáp ứng nguyên liệu sản xuất cho nhà máy. Vấn đề còn lại là triển khai như thế nào?
Với diện tích gieo trồng thường xuyên hàng năm 18.000 ha và có thể mở rộng ra trong thời gian đến, để phát triển thành vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến; dựa trên quy hoạch của tỉnh về phát triển các vùng cây nguyên liệu, huyện Ninh Sơn đang tiếp tục hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp ở những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến, các vùng có giao thông và các công trình thủy lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác, HTX phát triển. Một mặt, đầu tư mạnh hơn trong lĩnh vực khuyến nông, khuyến công, đặc biệt xác định một cách hợp lý các loại cây trồng cho thật phù hợp điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu và địa hình của từng vùng để khai thác tốt nhất tiềm năng sẵn có. Trong đó, chuyển những vùng đất trồng không hiệu quả sang luân canh trồng M-M-TL. Mặt khác, tập trung cải tạo giống và kỹ thuật trồng cây công nghiệp cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Tuy nhiên, cũng theo đ/c Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, hiện nay các giống M-M-TL trên địa bàn chủ yếu là giống địa phương hoặc giống nhập lâu năm, thoái hóa nên năng suất thấp. Để đưa Ninh Sơn trở thành vùng sản xuất nguyên liệu trọng điểm của tỉnh, huyện rất cần được sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư của tỉnh, các ngành Nông nghiệp, khoa học…trong việc giúp nhân dân khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích đất trồng; đầu tư cho cơ sở nhân giống, để có giống tốt, chất lượng cao cung cấp cho sản xuất đại trà; đầu tư xây dựng giao thông, thủy lợi trong vùng nguyên liệu để đảm bảo cho các hoạt động sản xuất, quản lý sản xuất-kinh doanh thuận lợi; tập trung đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học-kỹ thuật thông qua việc đầu tư mô hình điểm, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho nông dân.
Xuân Bính