Đây là kết luận của các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học London (UCL) sau khi theo dõi 10.228 người trong suốt ba thập kỷ. Công trình nghiên cứu được công bố trên ấn bản mới nhất của tạp chí y khoa PLOS Medicine.
Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia đã khảo sát những đối tượng tham gia về các mối liên hệ xã hội của họ sáu lần trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến năm 2013. Các chuyên gia cũng phân tích hồ sơ sức khỏe và từ năm 1997 tiến hành kiểm tra nhận thức của những người tham gia nghiên cứu để đánh giá nguy cơ mắc chứng mất trí.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng với những người ở độ tuổi nói trên (50-60 tuổi), nếu được gặp gỡ bạn bè hay người thân hằng ngày, nguy cơ mắc chứng mất trí ít hơn 12% so với những người một vài tháng mới được tiếp xúc với những người thân thiết, gần gũi với họ. Các chuyên gia cũng rút ra kết luận tương tự với những người ở độ tuổi lớn hơn (60-70 tuổi).
Theo giáo sư Gill Livingston, chủ nhiệm công trình nghiên cứu, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giao tiếp hằng ngày giúp những người lớn tuổi rèn luyện các kỹ năng nhận thức như củng cố trí nhớ, trau dồi tư duy ngôn ngữ và kỹ năng sử dụng ngôn từ. Điều này có thể giúp người có tuổi hạn chế được những tác động tiêu cực của quá trình lão hóa của cơ thể, của tuổi già và giảm nguy cơ mất trí sau này.
Theo TTXVN/Báo Tin tức