Qua ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, lượng bệnh nhân nhập viện do sốt xuất đang tăng và không có dấu hiệu dừng lại. Tại bệnh viện Nhi đồng Thành phố từ đâu năm đến nay có 1.600 bệnh nhi đến khám vì sốt xuất huyết, trong đó nhập viện điều trị khoảng 600 trẻ. Hiện có 3 trẻ sốt xuất huyết nặng đang được theo dõi tích cực.
Còn tại bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận và điều trị khoảng 60 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết cho biết, từ giữa tháng 7/2019, trẻ mắc sốt xuất huyết đã có dấu hiệu gia tăng, hiện tại khoa có 3 trẻ em bị sốt xuất huyết gây sốc phải thở máy. Tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh chỉ trong tháng 6 và tháng 7 cũng ghi nhận 2.544 ca nội trú điều trị sốt xuất huyết, trong đó có 1 ca tử vong.
Đối với trẻ có cơ địa thừa cân béo phì, khi mắc bệnh sốt xuất huyết thường bệnh diễn tiến nặng hơn.
Bác sĩ Huỳnh Trung Triệu, Phó Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực- chống độc trẻ em Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết, năm nay mùa mưa đến sớm, một tháng trở lại đây số bệnh nhi nhập vào khoa khá đông, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 3 -5 bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết. Hiện trong khoa có 10 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở giai đoạn nặng phải thở máy và truyền dịch. Phần lớn các bệnh nhi đều ở tỉnh chuyển lên, nhiều hơn cả là các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu.
“Đối với trẻ có cơ địa thừa cân béo phì, khi mắc bệnh sốt xuất huyết thường bệnh diễn tiến nặng hơn. Mới đây tại khoa cũng đã từng tiếp nhận cấp cứu cho một bệnh nhân 12 tuổi ở Bà Rịa Vũng Tàu có sẵn cơ địa thừa cân bị sốt xuất huyết. Trong quá trình điều trị bé tái sốc 2 lần, sau đó rơi vào suy tim, rối loạn nhịp, tràn dịch màng tim, dù đã được điều trị tích cực nhưng bé vẫn không qua khỏi”, bác sĩ Trung Triệu cho biết thêm.
Còn tại khoa Nhiễm, bệnh viện đa khoa Đồng Nai (Biên Hòa – Đồng Nai) mỗi ngày có khoảng 25-35 ca nhập viện mới, lưu trú khoảng 80 người bệnh thì có gần 70 ca là sốt xuất huyết. Theo bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm: “Số ca sốt xuất huyết tăng cao, khoa phải tăng cường nhân lực y tế chăm sóc người bệnh, tăng cường số giường bệnh mới đáp ứng đủ nhu cầu điều trị của người dân”. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận hơn 8.100 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt trong 5 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao và diễn biến phức tạp.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế từ đầu năm 2019 đến nay cả nước ghi nhận trên 105.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong đó có 10 trường hợp tử vong, số mắc có xu hướng tiếp tục gia tăng tại nhiều địa phương. Hiện nay, bắt đầu bước vào những tháng cao điểm mùa dịch, cộng với sự diễn biến bất lợi của thời tiết, xen kẽ các đợt nắng nóng kéo dài và các đợt mưa lớn làm cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh. Dự báo thời gian tới số mắc sẽ tiếp tục gia tăng và bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, trong 1- 2 ngày đầu, người bệnh bị sốt cao, tuy nhiên dấu hiệu khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường. Bác sĩ Tiến khuyến cáo, để tránh những biến chứng do sốt xuất huyết gây ra, nếu trẻ sốt liên tục 3 ngày kèm dấu hiệu mệt mỏi, có nhiều nốt xuất huyết bất thường ngoài da, đi cầu phân đen, tay chân lạnh, chán ăn, mệt mỏi… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, gia đình cần thông báo cho trạm y tế để khoanh vùng, phun xịt không để bệnh lây lan trên diện rộng.
Để tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ thị giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch, kiên quyết không để dịch lan rộng và kéo dài.Tổ chức 3 chiến dịch lớn diệt lăng quăng (bọ gậy) ngay từ tháng 7/2019 đến hết năm; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực nguy cơ cao và các địa điểm tập trung đông người như chợ, trường học, bến xe, bến tàu, bệnh viện.
Tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm vận động mọi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ngay tại hộ gia đình với khẩu hiệu “không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”. Thường xuyên tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch.
Theo TTXVN/Báo Tin tức