* Phóng viên: Bác sĩ cho biết tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh ta hiện nay?
- Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 849 ca SXH, tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2018, chưa có trường hợp tử vong. Trong đó tập trung ở các địa phương: Tp. Phan Rang - Tháp Chàm 313 ca, Ninh Phước 290 ca, Ninh Hải 100 ca, Ninh Sơn 62 ca... Điều đáng chú ý là trong thời gian gần đây (từ ngày 1 đến 24-7) số lượng ca bệnh tăng lên và tiếp tục có chiều hướng gia tăng, bình quân 26 trường hợp/tuần. Hiện đang là thời điểm chuẩn bị bước vào mùa mưa, cộng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh và sự hạn chế về ý thức của người dân, bệnh SXH có nguy cơ bùng phát cao trên diện rộng.
Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
* Phóng viên: Trước diễn biến phức tạp của bệnh, ngành Y tế có biện pháp nào để phòng, chống bệnh SXH?
- Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh: Để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo cho hệ thống y tế dự phòng các tuyến giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ, phát hiện kịp thời các ca bệnh trên cơ sở đó tiến hành các giải pháp chống dịch như: Điều trị cách ly người bệnh, phun hóa chất tại những nơi có bệnh SXH lưu hành… Ngoài ra, Trung tâm cũng chỉ đạo các địa phương thường xuyên điều tra chỉ số côn trùng, lăng quăng. Những địa phương có chỉ số mật độ muỗi, lăng quăng cao sẽ được phun hóa chất chủ động phòng ngừa dịch bệnh SXH... Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã xử lý 67 ổ dịch SXH và chủ động triển khai phun hóa chất, diệt lăng quăng tại các xã, phường có nguy cơ cao bùng phát dịch lớn và ổ dịch cũ.
Tuy nhiên để ngăn chặn dịch bệnh SXH hiệu quả và căn cơ nhất vẫn là loại trừ ổ chứa lăng quăng. Nếu phun hóa chất mà chỉ số lăng quăng còn cao thì chỉ vài ngày quần thể muỗi mới lại khôi phục, bệnh vẫn lây lan và kéo dài hoặc tái phát, công tác phòng, chống dịch không bền vững. Chính vì vậy, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế, chính quyền địa phương và người dân cần nâng cao ý thức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt tích cực diệt lăng quăng tại các hộ gia đình. Thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, đậy kín những dụng cụ chứa nước; thu gom, huỷ các vật dụng phế thải trong và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp xe,… để muỗi không sinh sản. Ngoài ra, cần phải ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày để tránh lây truyền dịch bệnh. Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành Y tế trong các đợt phun hoá chất phòng, chống dịch. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị SXH, người dân không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị.
Ngành Y tế đã trang bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, thuốc men và thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức, trách nhiệm, chủ động của mỗi người dân và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể... cùng chung tay đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giúp người dân nâng cao ý thức, kiến thức thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, gia đình, không để bệnh lây lan ra cộng đồng, phát triển thành dịch.
* Phóng viên: Cảm ơn bác sĩ !
Mỹ Dung (thực hiện)