Ông Trượng Lắc, Trưởng Ban quản lý khu phố Mỹ Nghiệp, cho biết: toàn làng hiện có 346 hộ với 2.016 nhân khẩu. Đời sống của người dân dựa vào nguồn thu nhập chủ yếu từ nghề dệt kết hợp canh tác 47 ha ruộng 3 vụ lúa chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi kênh Nam. Mỹ Nghiệp hiện có 120 hộ còn gắn bó với nghề dệt thủ công truyền thống sản xuất thổ cẩm phục vụ hoạt động tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Chăm ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Đồng thời có 11 cơ sở dệt công nghiệp gồm 68 cỗ máy sản xuất vải hoa văn đặc trưng phục vụ nhu cầu trang phục cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên. Sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống và vải dệt máy sản xuất tới đâu được thị trường tiêu thụ hết tới đó đem về doanh thu làng nghề khoảng 15 tỉ đồng/năm. Nhờ nguồn thu nhập chủ yếu từ nghề dệt, các gia đình đã xây dựng được nhà ở khang trang, nuôi con ăn học thành đạt. Số hộ nghèo ở Mỹ Nghiệp chỉ còn 21 hộ chủ yếu do già yếu, neo đơn thiếu sức lao động.
Sinh viên Trường Đại học Okinawa (Nhật Bản)
tham quan, nghiên cứu dệt thổ cẩm tại làng Mỹ Nghiệp.
Ông Hàm Minh Thiệu, Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp cho biết doanh nghiệp hiện có 113 thành viên góp vốn kinh doanh 565 triệu đồng. HTX được sử dụng cơ sở sản xuất và trưng bày thổ cẩm do nhà nước đầu tư phục vụ phát triển làng nghề. Tính riêng trong năm 2018, HTX thu hút gần 13.000 lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan mua sắm sản phẩm, doanh thu đạt 953 triệu đồng. HTX tiếp tục đầu tư phục hồi hoa văn cổ, đa dạng hóa sản phẩm và tái hiện quy trình dệt vải cổ truyền của đồng bào Chăm phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách. Đồng thời liên kết với Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận đưa du khách đến tham làng nghề với mục tiêu phấn đấu thu hút 15.000 lượt khách tham quan, doanh thu đạt 1.012 triệu đồng.
Tại làng gốm Bàu Trúc, anh Đàng Chí Quyết, Trưởng Ban quản lý khu phố Bàu Trúc, phấn khởi chia sẻ: “Từ năm 2017 đến nay, từ khi nghệ thuật làm gốm của người Chăm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, làng Bàu Trúc trở thành điểm đến của du khách trong dịp nghỉ lễ và những ngày nghỉ cuối tuần. Đặc biệt là từ sau Hội thảo khoa học quốc tế xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, làng Bàu Trúc thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm sản phẩm. Các nghệ nhân lao động không ngơi nghỉ làm ra sản phẩm bảo đảm chất lượng cung cấp cho bạn hàng yêu thích gốm mỹ nghệ phục vụ trang trí gia đình và các cơ sở kinh doanh du dịch”. Làng nghề Bàu Trúc được Viện Nghiên cứu và Phát triển Ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) thực hiện dự án Phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản do Hội đồng Anh tài trợ và VIRI hỗ trợ nguồn vốn trên 1 tỉ đồng đang được các chuyên gia triển khai thực hiện từ tháng 9- 2018 kéo dài đến tháng 9-2019. Dự án gồm các hoạt động: Tham vấn cộng đồng và chính quyền địa phương về việc phát triển chương trình du lịch văn hóa và cộng đồng; kỹ năng đón tiếp khách du lịch, quản lý du lịch; sản xuất và tiếp thị các đặc sản địa phương hướng tới khách du lịch; lồng ghép trình diễn về di sản với tour du lịch… nhằm góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân làng gốm Bàu Trúc.
Du khách tham quan, mua sắm các sản phẩm gốm Chăm tại làng Bàu Trúc. Ảnh: Sơn Ngọc
Bàu Trúc hiện có 598 hộ, với 2.945 nhân khẩu, đời sống của người dân dựa vào nguồn thu nhập chính từ nghề làm gốm và canh tác 192 ha ruộng lúa chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi Nha Trinh. Toàn làng có 1 HTX, 4 Công ty TNHH, 9 cơ sở sản xuất, với 150 hộ thu hút 500 lao động tham gia sản xuất gốm. Trong những năm qua, Nhà nước quan tâm đầu tư trên 10 tỉ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, dạy nghề, đổi mới quy trình nung gốm đưa làng nghề ngày càng phát triển bền vững. Doanh thu từ nghề gốm trên 15 tỷ đồng/năm, người lao động có thu nhập trung bình 3-5 triệu đồng/tháng, bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm. Tính riêng trong hai tháng đầu năm 2019, lượng khách đến làng gốm Bàu Trúc khoảng 8.000 lượt người, tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2018. Các nghệ nhân làng nghề đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm đưa thương hiệu gốm Chăm Bàu Trúc ngày càng phát triển bền vững.
Tiến Michiko Yoshii, giảng viên Trường Đại học Okinawa (Nhật Bản) cho biết bà đưa đoàn sinh viên chuyên ngành Dân tộc học của nhà trường đến nghiên cứu tìm hiểu sản xuất gốm Bàu Trúc và dệt thổ cẩm thủ công truyền thống của người Chăm tại làng Mỹ Nghiệp. Thông qua hoạt động của các làng nghề giúp các em sinh viên có dịp giao lưu tìm hiểu đời sống văn hóa của dân tộc Chăm sinh sống ở Việt Nam. Các em sinh viên rất thích thú với hoa văn thổ cẩm, gốm chế tác bằng tay không bàn xoay phản ảnh truyền thống văn hóa lâu đời của đồng bào Chăm. Nếu địa phương có chính sách đầu tư xây dựng căn cơ làng nghề truyền thống kết hợp với các hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào Chăm, các làng nghề Bàu Trúc, Mỹ Nghiệp trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách quốc tế trong tương lai.
Đồng chí Bạch Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 07/2012- NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Phước nhiệm kỳ 2015- 2020, UBND huyện đã xây dựng Đề án Phát triển các làng nghề truyền thống gắn với du lịch của đồng bào Chăm trên địa bàn huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, toàn huyện huy động các nguồn lực xã hội đầu tư khoảng 57,8 tỉ đồng nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá thu hút du khách đến tham quan, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Qua đó tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập nâng cao đời sống nhân dân, tích cực góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Sơn Ngọc