Chuyển biến mạnh về chất lượng và giá trị
Ðể đáp ứng nhu cầu gạo chất lượng cao, năm 2018, hàng loạt các doanh nghiệp gạo đã tập trung sản xuất theo quy trình sạch, gạo hữu cơ, gạo dinh dưỡng, đa dạng các sản phẩm chế biến từ lúa gạo. Cùng với đó, bà con nông dân cũng chú trọng sử dụng nguồn giống lúa chất lượng cao, phù hợp để xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo cũng đạt cao, giúp kéo giảm đáng kể thất thoát sau thu hoạch. Tại Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt 100%; tỷ lệ sấy đạt hơn 90%...
Song song với đó là mô hình cánh đồng lớn được nhân rộng tại nhiều địa phương đã thúc đẩy phát triển ngành lúa gạo hàng hóa lớn, tăng cường liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao. Nhờ đó, thu nhập của người trồng lúa được nâng lên, tác động trở lại, tạo động lực cho họ tham gia ngày càng sâu hơn vào các chuỗi sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp.
Về xuất khẩu, với mục tiêu giảm dần về số lượng nhưng vẫn giữ ổn định và tăng về giá trị, năm 2018, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt khoảng 6,15 triệu tấn, tương đương với hơn 3,15 tỷ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về giá trị so với năm 2017. Đáng chú ý, cơ cấu gạo xuất khẩu năm nay đã có sự thay đổi rất lớn: xuất khẩu gạo trắng chiếm 51% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 32%; gạo nếp chiếm 12% và gạo Japonica, gạo giống Nhật Bản chiếm 5%. Đặc biệt, phân khúc gạo chất lượng thấp giảm đáng kể, đối với gạo trắng thì gạo phân khúc chất lượng thấp chỉ còn chiếm tỷ trọng hơn 2% tổng lượng gạo xuất khẩu.
Giá gạo xuất khẩu cũng tương đối ổn định. Có những thời điểm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại gạo diễn biến theo xu hướng mới, các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung giảm dần, thay vào đó là các hợp đồng thương mại nhờ chất lượng gạo đã được cải thiện đáng kể.
Đến nay, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu đến trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thị trường châu Á chiếm gần 70%, thị trường châu Phi chiếm gần 15%, còn lại là Mỹ và các thị trường khác. Đặc biệt, trong những năm gần đây, hạt gạo Việt Nam đã bước đầu thâm nhập được các thị trường yêu cầu chất lượng cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Hoa Kỳ, EU… và liên tiếp duy trì vị trí nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan.
Chính sách thông thoáng
Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất về chính sách ngành hàng lúa gạo năm 2018 là sự ra đời của Nghị định 107/2018/NÐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo (có hiệu lực từ 1-10-2018), thay thế Nghị định 109/2010/NÐ-CP về lĩnh vực này. Ðây là bước đột phá trong cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo, tháo gỡ khó khăn và tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển.
Theo đó, không bắt buộc thương nhân kinh doanh sở hữu kho chứa thóc gạo, cơ sở xay xát, chế biến thóc gạo mà có thể thuê để đáp ứng điều kiện kinh doanh; bãi bỏ quy định bắt buộc thương nhân phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam; bỏ quy định thương nhân phải có lượng gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký… Doanh nghiệp chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng được xuất khẩu các loại gạo này không cần có Giấy chứng nhận xuất khẩu đồng thời cũng không phải thực hiện dự trữ lưu thông và có trách nhiệm báo cáo theo quy định.
Từ sự nới lỏng trong chính sách xuất khẩu gạo kể trên, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo có thể chủ động trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời cũng tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao nhưng số lượng ít.
Định vị giá trị và hình ảnh cho sản phẩm gạo Việt
Năm 2018, ngành gạo Việt Nam cũng tổ chức khá nhiều sự kiện lớn như: Hội nghị gạo thế giới lần thứ 10 - 10th World Rice Conference (với sự tham gia của khoảng 600 đại diện ngành hàng lúa gạo từ các nước xuất khẩu, nhập khẩu gạo lớn trên thế giới, các công ty lớn về xuất khẩu, nhập khẩu gạo và các chuyên gia quốc tế về sản xuất, thương mại gạo...); lần đầu tiên tổ chức Hội nghị gạo quốc tế, với chủ đề “Triển vọng sản xuất và thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam”, có sự tham gia của chuyên gia quốc tế về lúa gạo, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đại diện các bộ, ngành và các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành; Festival Lúa gạo Việt Nam lần 3 tại tỉnh Long An… Không chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, kết nối, hợp tác trong sản xuất và thương mại gạo, các sự kiện này còn là cơ hội lớn để Việt Nam nâng cao hình ảnh gạo Việt.
Đặc biệt, tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố Logo thương hiệu gạo Việt. Đây là logo chiến thắng trong cuộc thi vẽ logo thương hiệu Gạo Việt Nam quy tụ hơn 500 tác phẩm trong và ngoài nước tham dự.
Trọng tâm logo là bông lúa cách điệu. Các lá lúa được biến tấu tạo hình chim Lạc Việt đang tung cánh - biểu tượng đặc trưng của Việt Nam đã được nhận biết trên phạm vi toàn thế giới. Tên thương hiệu nhấn mạnh chữ Gạo Việt Nam/VietNam Rice với kiểu chữ dễ đọc, hài hòa với phần hình. Nền logo màu xanh lá, mang thông điệp về Việt Nam là một quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp phát triển với sản phẩm sạch, an toàn và thân thiện với môi trường. Bố cục logo hình elíp, vừa là hình hạt gạo, còn là hình trái đất, mang thông điệp thương hiệu gạo Việt Nam đạt chất lượng và uy tín trên phạm vi toàn thế giới. Đặc biệt, tổng thể logo tạo ra hình ảnh cất cánh bay xa của ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam trong xu hướng hội nhập và phát triển.
Có thể thấy, năm 2018 là một năm có khá nhiều dấu ấn với ngành lúa gạo Việt Nam. Cùng với việc nâng cao chất lượng sản xuất, gia tăng giá trị xuất khẩu, việc công bố logo thương hiệu gạo Việt Nam đã góp phần phần khẳng định vị thế, chất lượng của gạo nước ta trên thị trường thế giới.
Theo TTXVN