Đến thăm cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của chị Khánh Ly ở làng Chăm Mỹ Nghiệp chúng tôi “tận mục sở thị” những trái dưa đang giai đoạn “lên lưới” tạo nên nét đặc trưng của loài cây ăn trái chất lượng cao trên thị trường. Những hàng dưa lưới chuẩn bị thu hoạch được trồng xen canh giữa những luống măng tây xanh đang hồi phục sau đợt mưa lũ cuối tháng 11- 2018. Đưa chúng tôi đi thăm cơ sở sản xuất, chị Khánh Ly cho biết: Gia đình chị đầu tư trên 1 tỉ đồng xây dựng mô hình canh tác nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững trên diện tích 1.900 m2; trong đó có 1.300 m2 được lắp đặt khung thép và bao che lưới có chiều cao 6 m. Chị thuê thợ khoan giếng sâu hơn 100 m khai thác mạch nước ngầm và lắp đặt hệ thống điều khiển tự động bơm tưới nhỏ giọt cho khu vườn.
Chị Đàng Thuận Khánh Ly chăm sóc dưa lưới
thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi- 2019.
Công trình hoàn thành đưa vào canh tác hoa màu trong dịp đón mừng Katê năm 2017, chị bắt tay vào trồng 2.700 bầu dưa lưới trên nền hữu cơ gồm xơ dừa, phân chuồng. Sau 75 ngày sinh trưởng trong môi trường nhà lưới ít bị sâu bệnh, cây dưa lưới phát triển tốt. Trái dưa vỏ xanh vân lưới nổi rõ tạo vẻ bắt mắt cho sản phẩm; ruột dưa màu vàng cam, hương thơm, vị ngọt được người tiêu dùng ưa chuộng. Khi cây dưa lưới ra hoa, chị Khánh Ly thụ phấn “nhân tạo” bằng cách lấy phấn hoa đực gieo cho hoa cái, mỗi gốc chỉ nuôi một trái để đạt được trọng lượng trên 1,4 kg, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Ngay trong vụ dưa lưới đầu tiên canh tác trong môi trường nông nghiệp công nghệ cao, chị Khánh Ly thu hoạch trên 3 tấn dưa trái bán cho thương lái đến tận vườn thu mua với giá 35.000 đồng/kg, chị có thu nhập trên 100 triệu đồng. Từ giữa năm 2018 đến nay, chị Khánh Ly tiếp tục trồng thêm hai vụ dưa lưới chất lượng cao, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Riêng trong vụ dưa Tết Nguyên đán năm nay do mưa lũ kéo dài nên vườn dưa của gia đình chị có khả năng cung cấp cho thị trường khoảng 1 tấn trái dưa lưới.
Ngay thời điểm vừa hoàn thành khu vườn, chị Khánh Ly thuê xe chở cát đổ nền với diện tích 300 m2 trồng thử nghiệm măng tây xanh giống Atticus do Công ty Bejo (Hà Lan) cung cấp. Đây là giống măng tây xanh cho năng suất, chất lượng cao được trồng phổ biến ở các xã An Hải, Phước Hải. Sau hơn một năm sinh trưởng trên nền đất cát trộn phân chuồng, cây măng tây xanh của gia đình chị bước đầu cho thu hoạch 3-4 kg/ngày. Mỗi ngày thu hoạch, chị đưa sản phẩm vào ngăn lạnh dự trữ đủ 10 kg đóng gói chuyển vào TP. Hồ Chí Minh bỏ mối cho bạn hàng với giá 100.000 đồng/kg. Tháng 10- 2018, chị Khánh Ly tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng măng tây xanh phủ kín diện tích nhà lưới 1.300m2. Đây là loài cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao “nhất bảng” hiện nay ở huyện Ninh Phước. Trong thời gian tới, chị tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích canh tác măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP và đăng ký kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm để cung cấp sản phẩm cho các siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Hán Hùng Hoa, Trưởng Ban Quản lý khu phố 13 (Mỹ Nghiệp) cho biết chị Đàng Thuận Khánh Ly là phụ nữ dân tộc Chăm đầu tiên ở Mỹ Nghiệp đầu tư vốn xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Chị trồng măng tây xanh, dưa lưới theo hướng hữu cơ sinh học cho thu nhập cao. Mô hình sản xuất tiên tiến của chị trở thành điểm đến tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều nông dân địa phương. Một số nông hộ ở Mỹ Nghiệp tập trung tích lũy vốn thực hiện biện pháp canh tác nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng nhu cầu nông sản sạch của người tiêu dùng.
Sơn Ngọc