Trở lại thôn Rồ Ôn vào những ngày đầu năm 2019, chúng tôi được sống trong không gian thanh bình của vùng đồng bào Raglai gắn bó với nghề mây tre đan. Bà Kadá Thị Tai ngồi trước hiên nhà vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa đan lát những chiếc chick xinh xắn kịp giao cho thương lái vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi sắp tới. Bà Tai là một trong những phụ nữ cao tuổi của thôn Rồ Ôn còn giữ nghề mây tre đan. Đã hơn bảy mươi mùa rẫy, đôi tay của bà Tai vẫn thoăn thoắt đan gắn kết hàng trăm chiếc nan chặt chẽ tạo nên sản phẩm mây tre bền đẹp được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngừng tay đan chick, bà Tai chia sẻ niềm vui: Từ hồi còn con gái ở trên núi cao, tôi được cha mẹ dạy nghề đan chick, đan gùi, đan nia, đan sàng phục vụ sinh hoạt gia đình. Hơn năm mươi mùa rẫy gắn bó với nghề đan lát nên đã quen rồi, đường đi nước bước của sợi nan nằm trong lòng bàn tay mình dẫn dắt nó gắn chặt với nhau tạo nên nét đẹp của từng loại sản phẩm. Nghề đan lát tuy chưa thể làm giàu nhưng cho thu nhập bảo đảm cuộc sống thường ngày đỡ phải nhờ con cháu chu cấp. Tôi truyền nghề đan lát mây tre và động viên con cháu tộc họ cố gắng giữ lấy nghề truyền thống của ông bà xưa.
Nghề đan lát mây tre tạo việc làm tăng thu nhập cho phụ nữ thôn Rồ Ôn.
Cách nhà bà Tai không xa là gia đình anh Kadá Bơ đã có trên 40 năm gắn bó với nghề mây tre đan. Giữa nền nhà bộn bề nan tre, những người thợ trẻ đang tất bật hoàn thành sản phẩm theo đơn đặt hàng của thương lái. Anh Bơ cho biết, tộc họ Kadá ở thôn Rồ Ôn có nghề mây tre đan cha truyền con nối, đặc biệt là nghề làm chick. Dụng cụ làm chick rất đơn giản, chỉ cần 1 lưỡi mác thiệt bén để ra nan và 1 chiếc dùi cột dây mây làm đế chick. Để làm được chiếc chick tinh xảo, chất lượng, người thợ phải chuyên tâm học nghề 2-3 tháng. Người thợ phải đi bộ ròng rã một ngày đường lên núi cao tìm lồ ô vác về nhà phơi trong bóng râm cho thật khô rồi chẻ nan mỏng. Người thợ tiến hành đan chick có hình khối vuông, cạnh dài 25 cm gồm các cung đoạn đan, bẻ vành, gắn đế mây dày khoảng 2 cm. Chiếc chick gồm hai phần đực và cái, khi úp vào nhau vừa khít dùng để đựng vật phẩm cúng kính ông bà tổ tiên. Mỗi người thợ đan giỏi mỗi ngày hoàn thiện hai sản phẩm bán cho thương lái đến nhà thu mua với giá 80 ngàn đồng/chiếc. Tranh thủ thời gian nông nhàn, nghề làm chick giúp cho mỗi lao động có thu nhập trung bình 1,5 triệu đồng/tháng. Ngoài nghề mây tre đan, anh Bơ còn canh tác 7 sào ruộng lúa và 2 ha đất rẫy trồng bắp, trồng đậu xanh. Khi xong mùa màng, gia đình của anh có 5 lao động gồm vợ, con gái, con dâu rộn ràng với nghề mây tre đan. “Mây tre đan là nghề truyền thống của tộc họ Kadá xã Phước Hà nên mình không bỏ được. Những chiếc chick của gia đình mình làm ra phục vụ cho phong tục lễ nghi của đồng bào Chăm và đồng bào Raglai ở hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Còn sức khỏe là tôi còn gắn bó với nghề mây tre đan vừa có thu nhập vừa đem lại niềm vui lao động cho gia đình”, anh Kadá Bơ chia sẻ.
Anh Tâu Xá Hưng, Trưởng Ban quản lý thôn Rồ Ôn cho biết: Toàn thôn hiện có 98 hộ, với 424 nhân khẩu là đồng bào Raglai. Đời sống của bà con dựa vào nguồn thu nhập từ 32 ha ruộng lúa chủ động tưới gieo trồng 2-3 vụ/năm, 80 ha đất rẫy trồng hoa màu và chăn nuôi gia súc có sừng với đàn bò trên 360 con. Trong những năm qua, Nhà nước quan tâm hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi gia súc, xây dựng hạ tầng nông thôn giúp người dân địa phương có điều kiện làm ăn, bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm. Thôn Rồ Ôn hiện có 12 hộ, với trên 20 lao động gắn bó với nghề mây tre đan truyền thống, sản phẩm của bà con được thương lái từ miền xuôi lên thu mua cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh. Chính quyền địa phương khuyến khích bà con phát triển nghề mây tre đan vừa gìn giữ nghề truyền thống của đồng bào Raglai vừa có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Sơn Ngọc